Vì sao nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng?

Việc điều động nhiều bí thư tỉnh ủy làm thứ trưởng nhằm sử dụng hiệu quả cán bộ lãnh đạo ở địa phương. Đây là quá trình chuẩn bị đội hình nhân sự chủ chốt tốt nhất cho khóa mới.

Nhận định này được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đưa ra khi trao đổi với Zing về việc vừa qua nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng. Chỉ trong hơn 3 tháng (từ tháng 7 đến nay), có 5 bí thư tỉnh ủy được điều động, bổ nhiệm làm thứ trưởng các bộ.

Trẻ hóa cán bộ lãnh đạo ở địa phương

Nhìn nhận về công tác điều động, luân chuyển, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc này là rà soát lại nhân sự của các địa phương.

Phân tích từ thực tế điều động cán bộ vừa qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết ở địa phương, có những bí thư tỉnh ủy gần đến 60 tuổi, có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm, làm việc tốt.

Điển hình như Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Cuối tháng 9, ông được Thủ tướng điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vì sao nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng? ảnh 1 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: Kinh tế đô thị.

“Ông Hoan là lãnh đạo rất năng nổ, nhiều sáng kiến, gắn bó với nông nghiệp, nên đã được điều động làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Với một người tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát như vậy thì nên điều động họ để có thể sử dụng tốt cán bộ”, ông Phúc nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đây là chủ trương đã được thực hiện nhiều năm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần tiếp tục phát huy nhằm huy động, sử dụng được đội ngũ cán bộ chủ chốt, những người có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, thực tiễn ở địa phương.

“Điều quan trọng nhất là sử dụng hiệu quả những cán bộ đã có quy hoạch, đã trưởng thành và có kinh nghiệm thực tiễn ở các vị trí”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông, nếu không tận dụng được đội ngũ cán bộ này sẽ là một lãng phí rất lớn. Thậm chí, đó có thể là thiệt thòi cho Đảng và Nhà nước. Phương án tối ưu là bố trí, điều động họ vào những vị trí phù hợp, sau đó sẽ căn cứ tình hình để sắp xếp.

Vì sao nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng? ảnh 2 Ông Lê Minh Hoan - một người am hiểu về nông nghiệp, được điều động làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.
Vì sao nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng? ảnh 3 Ông Trần Văn Sơn, nguyên Bí thư Điện Biên, được điều động về làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cả hai ông đều sinh năm 1961. Ảnh: T.C - Hoàng Hà.

Ông nhấn mạnh với người có kinh nghiệm, kiến thức lại không có điều tiếng gì thì “cống hiến được thêm một ngày cũng tốt”.

“Chúng ta cần có chủ trương này vì không thể có ngay một đội ngũ cán bộ trẻ mà dày dạn kinh nghiệm. Đó cũng là lý do cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được thiết kế 3 độ tuổi”, ông Phúc chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc đánh giá việc điều động cán bộ, dù vẫn còn đủ điều kiện tái cử Trung ương Đảng, là để tạo điều kiện trẻ hoá lãnh đạo các địa phương. Công tác này đồng thời phát huy tối đa kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ ở các lĩnh vực có am hiểu sâu khi về Trung ương; tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược khi cần bố trí, sử dụng.

Nhắc lại giai đoạn còn công tác trên cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phúc cho biết từng nhiều lần kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm phải có phương pháp và cách thức huy động, sử dụng đội ngũ cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, để họ có thể tiếp tục tham gia cống hiến cho một số công việc của ngành, lĩnh vực và đất nước. Ông cho rằng không nên cực đoan cứ đến tuổi là nghỉ hưu.

Chuẩn bị đội hình nhân sự chủ chốt tốt nhất cho khóa mới

Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng “60 tuổi vẫn còn sung sức, khỏe mạnh”. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những người có tài năng, có bản lĩnh rất cần thiết được huy động, sử dụng, bởi họ cũng luôn mong muốn phục vụ cho sự phát triển của ngành, của địa phương và của đất nước.

Nhìn nhận một cách khái quát, ông Phúc cho rằng việc điều động, luân chuyển cán bộ như hiện nay là bước chuyển tích cực cho công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII.

Nguyên phó ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cũng đánh giá đây là việc bình thường trong công tác cán bộ. Với một bí thư tỉnh ủy khi đã hết nhiệm kỳ, theo ông Thưởng có 3 phương án. Một là nếu đủ tuổi tái cử ở địa phương thì sẽ làm tiếp, hai là được điều động đảm nhiệm vị trí khác phù hợp, và ba là nghỉ hưu.

Nhưng trong những năm gần đây, ông Thưởng cho biết thường những người không đủ tuổi tái cử sẽ được điều động đảm nhiệm công việc khác, vì nếu cho họ nghỉ hưu ngay sẽ là lãng phí nguồn nhân lực tốt.

Cụ thể vừa qua, với nhiều trường hợp bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng, ông Thưởng cho rằng nếu người nào còn tuổi, uy tín tốt, tương lai có thể tiếp tục được quy hoạch làm bộ trưởng. Nhưng không phải tất cả như vậy, mà cũng có người sẽ giữ cương vị thứ trưởng đến khi nghỉ hưu.

Vì sao nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng? ảnh 4 Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị được điều động, bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng - là vị trí ông từng giữ trước đó. Ảnh: Hoàng Hà.

Cùng chung nhận định, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng việc này còn phụ thuộc vào công tác sắp xếp, bố trí nhân sự sau Đại hội XIII. Nhưng rất có thể, những người được điều động làm thứ trưởng trước đại hội sẽ là một nguồn để bổ nhiệm ở vị trí cao hơn sau đại hội.

Vì thực tế có những người được huy động làm việc đến 65 tuổi, đặc biệt còn trên 65 tuổi.

“Công tác nhân sự giờ làm rất kỹ, có tính toán chi tiết. Việc điều động bí thư tỉnh ủy về làm thứ trưởng đều tính đến việc người đó từng có kinh nghiệm hoặc gắn bó với vị trí mới. Như Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan rất am hiểu lĩnh vực nông nghiệp đã được điều động làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị từng có thời gian làm Thứ trưởng Bộ xây dựng, nay được điều động về cơ quan cũ”, ông Phúc phân tích.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc điều động nhân sự đều tính tới từng yếu tố. Và đây là quá trình để có đội hình nhân sự chủ chốt tốt nhất cho nhiệm kỳ mới.

Nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động làm thứ trưởng

Từ tháng 7 đến nay, nhân sự cấp cao có nhiều biến động với việc điều động, bổ nhiệm hàng loạt bí thư tỉnh ủy làm thứ trưởng các bộ. Trong đó, hầu hết lãnh đạo tỉnh, thành được điều động nhận nhiệm vụ mới trước khi đại hội Đảng bộ ở địa phương diễn ra.

Mới đây nhất, Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị được Thủ tướng điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Bí thư Điện Biên Trần Văn Sơn được điều về Trung ương giữ chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng thời gian này.

Trước đó, Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bí thư Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bí thư Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

5 lãnh đạo này đều được điều động trước khi diễn ra đại hội Đảng bộ tại địa phương.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.