Vì sao người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn?

Vì sao người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn?
TPO - Đến trưa 24/12, người dân vẫn căng bạt, mang đồ nấu ăn chặn xe rác gần cổng số 1 bãi rác Nam Sơn. Người dân phản đối do không đồng ý với mức đền bù đất thổ cư của chính quyền.

Theo ghi nhận của phóng viên, cách cổng số 1 Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) khoảng 500 m, người dân thôn Hai, xã Hồng Kỳ căng bạt ra sát con đường chính dẫn vào bãi rác. Họ chuẩn bị bàn ghế, bếp gas, mì tôm nấu ăn tại chỗ. Khoảng 20 người khi thấy xe rác tới thì chạy ra ngăn không cho vào bãi đổ.

Sự việc xảy ra từ trưa 23/12, người dân chủ yếu là những người trung tuổi căng bạt giữa đường, ngồi canh thông đêm cho đến 11h ngày 24/12 vẫn chưa có dấu hiệu giải tán.

Theo phản ánh cho một số hộ dân: Không chỉ có xã Nam Sơn, các xã như Hồng Kỳ và Bắc Sơn cũng bị ảnh hưởng, đến nay chưa nhận được đền bù thỏa đáng của TP.Hà Nội nên họ tiếp tục cùng nhau chặn các tuyến đường hướng về nhà máy xử lý rác Nam Sơn.

Vì sao người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn? ảnh 1 Trưa hôm nay, người dân vẫn căng lều chặn đường vào bãi rác.
Vì sao người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn? ảnh 2 Lửa đốt vừa để sưởi ấm, vừa nấu nướng.

Chị Chu Thị Xuân (Xóm Hòa Bình, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi nằm trong phạm vi ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn (0-500m), theo kế hoạch di dời đến nơi tái định cư của chính quyền là từ tháng 4 - 7/2019 sẽ đền bù xong tiền ruộng và nhà cửa, tài sản trên đất. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đất tái định cư cũng chưa giải phóng mặt bằng xong, tiền đền bù thì nhỏ giọt, không biết bao giờ mới nhận được hết. Do quá bức xúc nên chúng tôi mới ra đây chặn xe chứ nếu thành phố làm đúng lời hứa, thì chúng tôi việc gì phải mang xoong nồi ra đây nấu cơm, co ro thức thông đêm vất vả như thế này. Lần này chúng tôi sẽ chặn đến bao giờ nhà nước giải quyết xong thì mới thôi”.

Sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội giá đền bù khi thu hồi đất ở của các hộ được áp dụng theo mức giá đất ở mới năm 2020. Đồng thời, giữ nguyên hệ số được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại quyết định 4345/QĐ ngày 16/8 vừa qua.

Đối với giá bồi thường diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất ở (trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đẩt người dân đã được cấp ghi là đất vườn liền kề) thì được áp dụng mức bồi thường hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở được Thành phố phê duyệt đối với dự án này (tương tự mức bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2).

Vì sao người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn? ảnh 3 Người dân nhận được giấy mời lên UBND xã Nam Sơn để nhận chi trả tiền đền bù.

Đối với chính sách thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư, huyện Sóc Sơn kiến nghị UBND TP cho giữ nguyên giá tiền sử dụng đất đã được Thành phố phê duyệt.

Về giá bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng trên thửa đất ở, công trình được hình thành vượt quá hạn mức diện tích đất ở, huyện này kiến nghị cho phép bồi thường bằng 100% đơn giá theo quy định.

Điều chỉnh phân luồng rác tạm thời

Trước sự việc có một số người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng) Hà Nội vừa ban hành Thông báo Kế hoạch điều chỉnh phân luồng vận chuyển rác thải tạm thời.

Theo kế hoạch, đối với khối lượng tác thải trên địa bàn quận Thanh Xuân (405 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) phân luồng tiếp nhận về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây của HTX Thành Công; Đối với các quận: Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) thực hiện phương án phân luồng về ô chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Đối với các quận: Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Long Biên (313 tấn/ngày đêm) và các huyện như Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường lưu chứa tại các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời của địa phương. Nếu trong thời gian từ 3 – 7 ngày sau khi chặn rác, trên địa bàn các quận hết chỗ lưu chứa tạm thời sẽ báo cáo Sở Xây dựng tiếp tục cho vận chuyển về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây; Thời gian thực hiện từ ngày 23/12/2019 đến khi khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn vận hành trở lại.

Trong thời gian thực hiện kế hoạch phân luồng tạm thời, để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, Ban Duy tu đề nghị UBND các quận, huyện lập kế hoạch lưu chứa vận chuyển, tăng cường công tác phun hóa chất khử mùi trên địa bàn và chủ động theo dõi, phối hợp, cập nhật liên tục diễn biến tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị nhân lực để giải tỏa nhanh các điểm tập kết khi thông bãi; Sau khi bãi Nam Sơn tiếp nhận trở lại, chỉ đạo các đơn vị vận chuyển hết khối lượng rác đã tập kết tạm thời tại đây về Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.

Đối với các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, đảm bảo các biện pháp lưu chứa tại địa bàn, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh phương tiện trong quá trình vận chuyển tránh gây bức xúc dân sinh (không phát tán mùi, chảy nước rác…).

MỚI - NÓNG