Vì sao nên dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT trao đổi với phóng viên
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT trao đổi với phóng viên
TPO - “Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tình hình hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần”, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 10/11.

Theo ông Lê Hồng Tịnh, việc dừng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận chủ yếu là tính khả thi của dự án không còn. Ngoài ra, nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên nữa. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường vừa qua. 

Cũng theo ông Tịnh, ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, kinh tế đang tăng trưởng cao bình quân 7-8%, dự kiến tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì một GDP tăng trưởng, điện sẽ tăng hai, trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ dao động 6-7% một năm.

“Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây rất lớn khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Hiện nay năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp chỉ trên dưới 5 cent/một kWh và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu….”, ông Tịnh cho hay.

“Dừng dự án lại hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng. Một số nước đã nhập máy móc thiết bị rồi mà vẫn còn dừng”, ông Tịnh quả quyết.   

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT, thực tế, đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, trước mắt chưa sử dụng ngay nhưng điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự. Cho nên trước mắt một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện bây giờ đang triển khai cũng có thể sử dụng được nguồn nhân lực này.

Ông Tịnh cũng khẳng định, đến thời điểm này đã tiêu tốn vào dự án điện hạt nhân hàng nghìn tỷ đồng, song nếu tiếp tục thì còn tiêu tốn nữa. “Đúng là tiêu tốn rồi nhưng cái gì cũng có giá của nó. Nếu dừng mà hợp lý thì còn tốt hơn là tiếp tục”, ông Tịnh nói thêm, do yêu cầu cao về KHCN, vốn đầu tư dự án này còn có thể tăng lên gấp đôi, và có thể còn cao hơn nữa so với mức 200 nghìn tỷ đồng ban đầu.

Theo ông Tịnh, trên thế giới có nhiều nơi phải rút lại dự án điện hạt nhân, ví dụ Nam Phi "gần như chuẩn bị hết rồi cũng phải dừng", hay như ở Đức, nhiều nhà máy điện hạt nhân cũng phải bỏ, dừng vì đầu tư lớn, an ninh, chất thải.

Theo ông Tịnh khi dừng dự án, vấn đề trách nhiệm cũng phải đặt ra nhưng "nếu vì lo trách nhiệm mà cứ để triển khai thì sau này còn nguy hiểm nữa".

"Theo tôi, việc Chính phủ đề xuất dừng dự án là dũng cảm”, ông Tịnh nhìn nhận.

MỚI - NÓNG