Vì sao một số nước cấm hoặc hạn chế Pokémon Go?

TP - Tính đến ngày 8/8, Pokémon Go chính thức có mặt ở hơn 50 nước, kể cả Micronesia - một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới. Ngoài những mặt tích cực, trò chơi này đã gây ra không ít sự cố dở khóc dở cười, thậm chí chết người.

Cấm triệt để

Pokémon Go chưa được chính thức phát hành ở Iran thì chính phủ nước này đã ra lệnh cấm. Dù vậy, game thủ vẫn có thể tải xuống để chơi bằng cách sử dụng phần mềm đánh lừa vị trí GPS (định vị vệ tinh toàn cầu) trên điện thoại di động của họ. Hội đồng cấp cao về không gian ảo của Iran, cơ quan giám sát các hoạt động trực tuyến ở nước này, vừa ra lệnh cấm Pokémon Go vì lý do an ninh. Iran trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn trò chơi này.

“Vì Pokémon Go kết hợp các địa điểm, vị trí trong đời thực và thế giới ảo, cộng với những vấn đề khác, nên xét ở góc độ an ninh, nó có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả đất nước và người dân”, hãng tin Iran Tasnim dẫn lời Phó trưởng ban Giám sát Internet của Iran. 

Người chơi Pokémon Go phải bật tính năng định vị vệ tinh, bật camera để có thể bắt được các con vật hoạt hình hiển thị trên hình ảnh thực tế theo thời gian thực. Nếu thích, game thủ có thể dùng camera của điện thoại di động để chụp lại hình ảnh con vật xuất hiện trong khung cảnh thực tế (ví dụ con sâu đang bò trên cột điện, con chim đang đậu trên bờ tường, con cá nổi trên mặt hồ…).

Cuối tuần trước, giới lãnh đạo Hồi giáo ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thông báo, các tín đồ Hồi giáo không được chơi Pokémon Go vì trò chơi này có hại và có thể dẫn tới tệ nạn cờ bạc, cá cược. Quan chức phụ trách tôn giáo Zulkifli Mohamad al-Bakri nói rằng, Ủy ban Tham vấn pháp lý Hồi giáo của Kuala Lumpur đã xem xét ý kiến của các học giả uy tín về tác động của Pokémon Go.

“Cần phải tránh xa Pokémon Go và tất cả các nhân vật trong game này vì chúng có thể đem lại tác hại. Trò chơi này khuyến khích việc tìm kiếm quyền năng và các nhân vật có sức mạnh nhất định. Điều này có thể dẫn tới tệ nạn cờ bạc”, hãng tin Malaysia Bernama dẫn lời ông Bakri. Người chơi Pokémon Go có thể dùng tiền thật để mua các trang thiết bị trong game để chơi nhanh hơn, giỏi hơn.

Pokémon Go hiện chưa được phát hành chính thức ở Malaysia – nước có đông dân số theo đạo Hồi. Trong Pokémon Go, ngoài việc lang thang đi bắt Pokémon, người chơi có thể huấn luyện các con vật để chiến đấu, độc chiếm các tòa nhà mang tính biểu tượng, thách đấu với những game thủ khác để chiếm thành trì của nhau.

Hồi tháng 7, cơ quan tôn giáo cấp cao nhất ở Ảrập Xêút soạn lại một bộ quy tắc tôn giáo với nội dung cấm Pokemon Go. Trước đó, đông đảo người dân Ảrập Xêút cho rằng cần có khuyến cáo cụ thể về trò chơi này. Các chức sắc tôn giáo Ảrập Xêút cho rằng, chơi Pokémon Go giống như là đánh bạc và ý tưởng về các nhân vật của game dường như dựa trên thuyết tiến hóa của Charles Darwin – điều mà Hồi giáo phản đối. Trong Pokemon Go, các con vật mà người chơi bắt được có thể tiến hóa, biến đổi về hình thức, tính chất…

Hạn chế một phần

Trong khi một số nước cấm toàn bộ hoặc một phần dân chúng chơi Pokémon Go trong khoảng thời gian không xác định, các quốc gia khác cấm một số lực lượng nhất định hoặc cấm chơi game trong khoảng thời gian nhất định. Đồng thời thường xuyên cảnh báo người dùng về nguy cơ gặp tai nạn giao thông, đi lạc vào khu vực cấm, vùng nguy hiểm, hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm.

Cuối tuần qua, một thành viên Ủy ban Bầu cử Thái Lan yêu cầu người chơi Pokémon Go không được tới gần các điểm bỏ phiếu (trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới). Theo ông này, bước vào bên trong điểm bỏ phiếu để bắt các nhân vật Pokémon là phạm pháp. Game này được phát hành ở Thái Lan hôm thứ Bảy tuần trước.

 “Trong trường hợp các con Pokémon quý hiếm xuất hiện ở các điểm bầu cử, làm ơn đừng chơi gần các điểm này”, Xinhua dẫn lời ông Somchai Srisutthiyakorn – một thành viên của Ủy ban Bầu cử. Ông nhân mánh rằng, vào trong các điểm bầu cử để chơi game là đi ngược lại Đạo luật Trưng cầu ý dân.

Tháng trước, Indonesia cấm công chức chơi Pokémon Go chơi ở nơi công sở. Lệnh cấm này được ban hành nhằm bảo vệ “các bí mật nhà nước”, vì lo ngại rằng, điện thoại di động của người chơi có thể trở thành công cụ do thám, Arab News đưa tin. Indonesia cấm cảnh sát, binh sĩ chơi Pokemon Go trong khi thi hành nhiệm vụ với lý do tương tự. Israel cũng cấm quân nhân chơi Pokemon Go vì sợ kẻ địch lợi dụng game này để biết được vị trí đóng quân, bố phòng trận địa…

 Người chơi thông thường thì được khuyến cáo tránh những vùng nguy hiểm như khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố ở Nhật Bản, các vùng còn nhiều bom mìn chưa tháo gỡ hết ở Bosnia… Dù Pokémon Go đã chính thức có mặt ở lãnh thổ họ hay chưa, giới chức nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... cũng có khuyến cáo cụ thể dành cho người dân. 

Ở Mỹ, thành phố New York yêu cầu những người phạm tội liên quan tình dục (đang bị quản thúc tại gia, đã mãn hạn tù) không được chơi Pokémon Go vì lo ngại họ sẽ dụ dỗ, lừa phỉnh, lạm dụng, tấn công tình dục trẻ em mải mê chơi game này. Theo một khảo sát của Survey Monkey mà tạp chí Mỹ Forbes có được, ít nhất 22% trong số hàng triệu người chơi Pokémon Go là vị thành niên. Lệnh cấm của Thống đốc bang New York hiện được áp dụng với gần 3.000 đối tượng.

Sự cố chết người

Tháng 7, Calvin Riley, một thanh niên 20 tuổi người Mỹ, đang chơi Pokémon Go gần Quảng trường Ghirardelli, thành phố San Francisco, thì bị bắn chết. Đến nay, cảnh sát chưa bắt được hung thủ, Fox News đưa tin. Cuối tháng trước, một cặp vợ chồng ở bang Arizona bị truy tố tội bỏ mặc trẻ em, đẩy chúng vào vòng nguy hiểm. Brent Daley, 27 tuổi, và Brianne Daley, 25 tuổi, bỏ mặc con trai 2 tuổi ở nhà trong 90 phút trong tiết trời nóng bức, để ra ngoài chơi Pokémon Go. Cũng vào cuối tháng 7, hai trẻ nhỏ người Canada mải chơi Pokémon Go trong đêm tối đến nỗi vượt qua biên giới sang đất Mỹ, NBC News đưa tin.

MỚI - NÓNG