Vì sao kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, những ý kiến tại buổi tọa đàm mới đây về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo” đã làm rõ bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long. Nhiều nhà nghiên cứu, thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cũng đã ký đơn trình cấp có thẩm quyền về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 27/4, thông tin từ Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết, đang làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Được biết, đơn kiến nghị này gồm các thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử đã ký tên.

Trước đó, vào chiều 26/4 tại Huế, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc tổ chức toạ đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

Vì sao kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa quốc gia? ảnh 1
Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký tên vào đơn kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phạm Lê

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử ở Huế, Hà Nội, TPHCM và các nơi tham gia.

PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam - Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, cho biết, những ý kiến tại buổi tọa đàm đã làm rõ, bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long.

Ông Nam cho rằng, các tài liệu lịch sử được đưa ra tại tọa đàm cũng đã chứng minh không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn.

Còn theo người chủ trì tọa đàm là PGS.TS Đỗ Bang - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cuộc tọa đàm lần này nhằm xác minh các sự kiện, nhân vật, di tích, nguồn gốc lễ hội để tôn vinh, phát huy đúng người, đúng việc cũng như trả lại những giá trị chân chính của lịch sử cho các sự kiện, nhân vật mà cụ thể là vua Gia Long.

Tại buổi toạ đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đưa ra nhiều tư liệu và đều đồng quan điểm Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Lôn (Côn Đảo), nên không có chuyện như truyền thuyết.

Vì sao kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa quốc gia? ảnh 2
Lễ giỗ bà Phi Yến được huyện Côn Đảo tổ chức trang trọng hàng năm. Nguồn ảnh Internet

PGS.TS Đỗ Bang cho rằng, có thể có sự nhầm lẫn về sử liệu. Hai chữ “côn lôn” có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, khi phiên âm tiếng Việt là cù lao. Do vậy, khi biên soạn Phủ biên Tạp lục, tác giả Lê Quý Đôn cho biết vào đầu thế kỷ XVIII, tại vùng biển miền Nam có đến 3 địa danh mang tên "Côn Lôn" ở 3 vị trí khác nhau tại ngoài khơi phủ Bình Thuận, ngoài khơi phủ Gia Định và ngoài khơi trấn Hà Tiên.

Ông Bang phân tích, các nguồn sử liệu đều cho biết, qua các lần truy đuổi của quân đội Tây Sơn, hướng trốn thoát của Nguyễn Ánh chỉ là miền Tây Nam Bộ qua Rạch Giá - Hà Tiên để tiện đường ra đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Cổ Cốt, Cổ Long rồi sang Xiêm. Nên việc Nguyễn Ánh đến Côn Đảo ngày nay là điều hoàn toàn không thể. Côn Đảo lúc bấy giờ thuộc kiểm soát của quân Tây Sơn, quá xa Phú Quốc và không có đường thoát sang Xiêm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, nhà sử học người Pháp Charles H. Maybon trong cuốn “Bài đọc lịch sử cận và hiện đại nước Nam từ 1428 đến 1926” có ghi rõ: “Để tránh bị săn đuổi một cách khốc liệt, ông phiêu bạt trong vịnh Thái Lan. Từ Phú Quốc đến đảo Ko-rong, Kot-kut, rồi trở lại Phú Quốc”

Ông Xuân cho rằng, có thể việc Nguyễn Ánh đến Côn Lôn được sử chép lại có thể là đảo Ko-rong, tức Cổ Long chứ không phải Côn Đảo ngày nay.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, cho biết, qua nghiên cứu tài liệu, hoàn toàn không có ghi chép về bà thứ phi Hoàng Phi Yến (Lê Thị Răm) và Hoàng tử Hội An (Cải) trong tộc hệ triều Nguyễn.

“Cục Di sản văn hóa đã công nhận mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến”, TS Đăng lưu ý.

Cũng theo TS Đăng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần lên tiếng về việc này nhằm trả lại đúng sự thật của lịch sử.

Báo chí mới đây đưa tin, Bộ VH-TT&DL vừa công bố quyết định đưa Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo là văn hóa di sản phi vật thể quốc gia đã gây ra những băn khoăn trong giới sử học trong những ngày qua.

MỚI - NÓNG