Liên quan đến trang trại nuôi hổ kể trên, ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 1B)” cho gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, ở thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (nay đã ủy quyền cho bà Lê Thị Hồng - vợ ông Chiến), đủ điều kiện nuôi hổ.
Trước khi cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã xin ý kiến chỉ đạo, đồng ý của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa và ngành chức năng, nhiều năm qua, số hổ của gia đình bà Lê Thị Hồng nuôi tại trại này sinh trưởng tốt, khỏe mạnh. Tuy nhiên, tại trại hổ này có cả hổ đực, hổ cái, nhưng đến nay chưa sinh sản được con hổ mới nào, bởi có thể trong môi trường nuôi nhốt, hổ khó thụ thai để sinh sản. Từ ngày 23/5/2017, giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi hổ trên hết hiệu lực, và chưa được cơ quan chức năng cấp lại.
Ngày 23/3/2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng tịch thu, chuyển giao 11 cá thể hổ hiện đang nuôi nhốt tại cơ sở của gia đình bà Lê Thị Hồng. Căn cứ để ENV đưa ra đề xuất trên là: Nguyễn Mậu Chiến (chồng bà Hồng) hiện đang nuôi nhốt hổ không có giấy phép hợp pháp. Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Mậu Chiến về hành vi nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép, đồng thời, giao cho đối tượng tiếp tục nuôi thí điểm 10 cá thể hổ tại cơ sở trên.
Ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cho cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến được “nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn” 12 cá thể hổ. Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực sau ngày 22/5/2017.
Ngày 7/6/2017, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát cơ sở và kết luận cơ sở không đáp ứng điều kiện nuôi loài động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ. Trong cuộc họp ngày 18/7/2017, các cơ quan chức năng đã khuyến nghị cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa không cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho cơ sở trên. Tuy nhiên, cho tới nay, gần 1 năm kể từ ngày giấy chứng nhận hết hiệu lực pháp luật và không được gia hạn/cấp mới, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục để cơ sở lưu giữ cá thể nuôi hổ nói trên.
Căn cứ thứ 2 mà ENV đưa đưa là Nguyễn Mậu Chiến và vợ đều bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Ngày 20/3/2018, TAND quận Hà Đông (Hà Nội) đã tuyên mức án 13 tháng tù đối với Nguyễn Mậu Chiến vì tội vận chuyển hàng cấm và tàng trữ hàng cấm. Còn Hồng bị tòa tuyên mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách 12 tháng. Chính vì vậy, khi cả hai người đại diện cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến hiện đều bị kết án liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thì việc cấp phép cho cơ sở này sẽ dấy lên quan ngại sâu sắc trong dư luận Việt Nam và quốc tế.
Về phía Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết lý do trong thời gian qua, ngành chức năng chưa tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cấp giấy chứng nhận thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và cấp phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ cho trang trại trên vì theo Nghị định mới, hiện trang trại của gia đình bà Hồng chưa đáp ứng đủ điều kiện.
Ngoài ra, bà Hồng, ông Chiến đang liên quan đến vụ án tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Phiên tòa đã được đưa ra xét xử hôm 20/3, nhưng ngày 5/4, phía toàn án cho hay bản án trên hiện vẫn chưa có hiệu lực. Trong bản án cũng không nói đến việc các hàng cấm mà ông Chiến và đồng bọn tàng trữ, vận chuyển có liên quan đến 11 cá thể hổ nuôi tại trang trại.
Trong khi đó, sau khi ông Chiến bị bắt giữ về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, cơ quan công an, cơ quan chức năng đã 2 lần xác minh cá thể hổ đông lạnh và những tang vật khác trong vụ án của ông Chiến không có liên quan đến trại nuôi 11 hổ của gia đình bà Hồng.
Trước đó, trong thời gian tạm dừng cấp chứng nhận và cấp phép, cơ quan chức năng đã thống nhất để gia đình bà Hồng vẫn thực hiện trông coi, chăm sóc 11 hổ tại trại nuôi bình thường.
“Việc tịch thu số hổ trên không thể thực hiện do không phát hiện những hành vi vi phạm. Ngoài ra, phía gia đình bà Hồng cũng chấp nhận chuyển giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên cơ sở thống nhất 2 bên. Tuy nhiên, sau nhiều lần Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa gửi các văn bản đến các trung tâm thì nhận được các phản hồi chỉ tiếp nhận động vật hoang dã bị xử lý tịch thu, không có nhiệm vụ thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong quá trình tiếp nhận động vật hoang dã…
Hiện nay, theo tham vấn của ngành chức năng, trong điều kiện bà Hồng đang thụ án treo, thử thách vẫn có thể được cấp giấy chứng nhận, cấp phép cho hoạt động tại trại nuôi. Do đó, chúng tôi đang làm việc ngành chức năng để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản hướng dẫn để gia đình bà Hồng hoàn thiện các yêu cầu, điều kiện để được tiếp tục cấp phép nuôi hổ theo đúng quy định hiện hành. Đây cũng là những quan điểm chúng tôi sẽ trả lời ENV bằng văn bản trong thời gian tới”- ông Lực cho biết thêm.