Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP. HCM và bỏ chiến lược 'zero COVID' sớm?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tọa đàm “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 4/1, các khách mời đã lý giải vì sao đến tháng 10/2021 mới chuyển hướng chiến lược từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và việc không ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Chuyển hướng chống dịch phải căn cứ vào độ phủ vắc xin

Đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong năm 2020, Việt Nam đã làm rất tốt việc chống dịch, Tuy nhiên, sang năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm thay đổi tất cả.

“Có nhiều ý kiến cho rằng tình thế thay đổi nhưng chúng ta chậm thay đổi. Ví dụ chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp cứng nhắc khi dịch đã bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía nam, dồn F1, F0 vào các khu cách ly tập trung dẫn đến quá tải trong hệ thống điều trị. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả, cân đối giữa hiệu quả và chi phí khi thực hiện việc xét nghiệm diện rộng”, ông Dũng nêu vấn đề và đề nghị đại diện Bộ Y tế cho biết quan điểm trước ý kiến trên.

Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP. HCM và bỏ chiến lược 'zero COVID' sớm? ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh Nhật Bắc

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, COVID-19 xuất hiện ở nước ta là một bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam vừa nghiên cứu vừa đưa những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều chỉnh phương thức chống dịch phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là ở đợt dịch lần thứ tư.

“Với những biện pháp phù hợp ở từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta khẳng định rằng Việt Nam cơ bản khống chế được dịch với biến chủng Delta”, ông Tuyên nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, giai đoạn đầu Việt Nam chống dịch theo phương châm "Zero COVID", giúp thành công trong năm 2020. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sang năm 2021 dùng mô thức cũ trong tình hình mới không hiệu quả, cứng nhắc, tạo những hệ lụy. “Thứ trưởng Bộ Y tế nghĩ sao về nhận định cho rằng có thể chúng ta chuyển hướng chậm?”, ông Dũng nêu câu hỏi.

Đáp lại, ông Tuyên cho rằng, thời điểm chuyển hướng chiến lược là hết sức phù hợp. Trong giai đoạn đầu để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm, khả năng chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, Việt Nam đã sử dụng chiến lược “zero COVID”. Hơn nữa, theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát.

Thực tế, theo ông Tuyên, gần đây đã xuất hiện chủng mới Omicron, song độ bao phủ vắc xin của Việt Nam đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. “Thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch của chúng ta”, ông Tuyên khẳng định.

Không ban bố tình trạng khẩn cấp là phù hợp

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát, các địa phương phía Nam đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt thực tiễn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, Thủ tướng quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng điều động một lực lượng chưa có tiền lệ, gồm cả y tế, quân đội, công an vào Nam chống dịch.

“Với tư cách là Phó Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam, xin ông chia sẻ rõ hơn về việc đưa các lực lượng vào, và việc không ban bố tình trạng khẩn cấp", ông Dũng nêu câu hỏi.

Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP. HCM và bỏ chiến lược 'zero COVID' sớm? ảnh 2

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ảnh Nhật Bắc

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết, đợt dịch lần thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh. Vì thế, thời điểm đó các địa phương có đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.

“Đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng”, ông Tiến chia sẻ.

Trước đề xuất trên, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy, nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ. Chưa kể đến tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế; các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Vì thế, thời điểm đó, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an chi viện cho các tỉnh phía Nam tham gia phòng chống dịch

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. “Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó chúng ta trong một thời gian ngắn (3 tháng, nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng) đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh”, ông Tiến chia sẻ.

MỚI - NÓNG