Vì sao học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân?

TP - Một nghiên cứu mới đây của Trường  ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng 27% học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân. Con số được nhóm nghiên cứu lấy ý kiến trên 1.043 học sinh,  đáng chú ý những em có hành vi hành hạ bản thân lại chủ yếu tập trung ở học sinh có học lực khá, giỏi. Ðiều này khiến cho phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Gần 30% trẻ tự làm đau mình

Nghiên cứu trên được PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu. Để có kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã lấy ý kiến và nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS trên địa bàn và tỉnh Bình Dương trong thời gian 2 năm.

Theo kết quả nghiên cứu, điều đáng ngạc nhiên là có khoảng 280 em khi được hỏi đã trả lời có hành vi tự hủy hoại bản thân như: tự rạch tay, bứt tóc, suy nghĩ bi quan, mệt mỏi chán nản với cuộc sống… Thậm chí, một số em có suy nghĩ sẽ thực hiện hành vi tự tử để giải tỏa căng thẳng. Cụ thể, có tới 61,6% học sinh có hành vi bỏ bê bản thân; 38,4% em suy nghĩ bi quan về cuộc sống và có tới 31,6% em từng làm đau bản thân bằng các hành vi khác nhau; 35% học sinh từng tự đánh đấm bản thân…

Điều đáng nói, những học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh khá, giỏi, một số ít nằm ở học sinh trung bình.  Cụ thể, trong nhóm học sinh cho biết, từng hành hạ bản thân có 99 em là học sinh giỏi, 110 em học sinh khá.

Lý giải về vấn đề này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, nguyên nhân là do tỷ lệ học sinh hiện nay mắc rối loạn tâm lý học đường ngày càng cao. Từ áp lực học tập, trong cuộc sống học sinh đối diện với nhiều khó khăn hơn nhưng chưa có kỹ năng ứng phó nên nhiều em đã chọn hành động tự hành hạ bản thân.

Con hành hạ bản thân, phụ huynh không biết?

Chị Nguyễn Thị Thúy, có con là học sinh lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội chia sẻ, 3 năm liền con là học sinh giỏi. Từ năm học này, phải đối diện với áp lực thi vượt cấp nên ngày nào con cũng ở trong tâm trạng căng thẳng. Điều chị Thúy lo lắng là càng ngày ít nói và sống thu mình hơn. “Về đến nhà, ăn xong cơm tối là con vào phòng đóng cửa làm bài tập. Bố mẹ muốn vào phòng con phải gõ cửa nên tôi không biết phải hỗ trợ con ra sao”, chị Thúy chia sẻ.

TS tâm lý Trần Thành Nam, giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trước đây ông từng có nghiên cứu vấn đề này ở đối tượng là học sinh THPT. Tuy tỷ lệ học sinh có suy nghĩ, hành vi hành hạ bản thân thấp hơn nhưng sự thật có nhiều em đã tự hành hạ mình. Thế giới cũng có khoảng 15-25% trẻ vị thành niên từng có hành vi tự làm tổn thương mình.

Điều đáng báo động là dù đa số học sinh có hành vi đó suốt một thời gian dài nhưng phụ huynh đều không phát hiện ra. Hoặc khi phát hiện ra thì sự việc đã muộn.

TS Nam lý giải, kiến thức nói chung của phụ huynh hiện nay về tổn thương sức khỏe tinh thần kém. Nhiều người cho rằng, phạt trẻ, chê bai thì sẽ tiến bộ hơn. Hay đa số bố mẹ không quan tâm cảm xúc của trẻ. “Tôi từng gặp nhiều trường hợp trẻ cắt tay chảy máu, thành sẹo vài năm sau bố mẹ mới biết. Cũng có em tự đập đầu vào tường vì không đạt điểm số, có suy nghĩ tự sát vài năm bố mẹ cũng không biết. Thậm  chí nhiều em đã dùng chất kích thích với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi trạng thái tâm lý, cảm xúc tiêu cực nhưng gia đình vẫn không biết”, TS Nam nói.

Ngoài việc phụ huynh ít quan tâm đến cảm xúc của con, giáo dục sai phương pháp, TS Nam cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do học sinh ngày nay đối diện với nhiều khó khăn, áp lực hơn. Theo ông, ngày trước mỗi gia đình có nhiều con, bố mẹ cũng không có nhiều tiền bạc để đầu tư nên sự kỳ vọng vào con cũng ít hơn. Trái lại, ngày nay mỗi gia đình có ít con hơn, có tiền bạc đầu tư hơn nên sự kỳ vọng vào con lớn hơn. Vô hình trung, đứa trẻ sẽ bị áp lực rất lớn trong việc học tập. Đặc biệt ở nhóm học sinh khá, giỏi sẽ tự so sánh, đặt áp lực lớn hơn cho bản thân nên sẽ căng thẳng, stress hơn.

MỚI - NÓNG