Thời điểm 8h30 ngày 31/10, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,05 - 67,05 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào - bán ra. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 51,9 - 52,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với trước đó.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng trong nước ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với ngày 30/10.
Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 1/10, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 66,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Như vậy, sau 1 tháng dù giá vàng bán ra tăng 650.000 đồng/lượng nhưng chênh lệch giá mua vào - bán ra cao, người nắm giữ vàng sau 1 tháng vẫn bị lỗ 350.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch mua vào - bán ra cao khiến người mua vàng rơi vào nghịch lý, giá vàng tăng nhưng người giữ vàng vẫn lỗ.
Giá vàng tăng nhưng người mua vẫn lỗ do chênh lệch giá mua vào - bán ra cao (ảnh minh họa). |
Sáng 31/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.642 USD/ounce, giảm 2 đồng/USD so với cuối giờ chiều hôm trước. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới khoảng 49,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 31/10 tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.695 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.870 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch ngày 30/10.
Tại ngân hàng thương mại, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.567 - 24.877 đồng/USD; Ngân hàng Vietinbank niêm yết mức 24.575 - 24.878 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra.
Trái ngược với vàng, trong 1 tháng qua, người nắm giữ USD đã “cười tươi” khi tỷ giá USD liên tiếp tăng. Sau 1 tháng, giá trị mỗi USD tăng tới 530 đồng. Nếu người mua USD từ đầu tháng 10 và bán ra vào ngày 31/10 sẽ nhận lời khoảng 530 đồng/USD, mức lời hấp dẫn so với vàng và lãi suất gửi tiết kiệm.