Vì sao Dương Cầm gây tiếc nuối khi hụt giải Cống hiến?

TPO - Được xem là “miền đất hứa của những ban nhạc”, dự án Bandland của nhạc sĩ Dương Cầm là sân chơi chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất dành cho các ban nhạc trên toàn quốc. Bởi vậy, việc Dương Cầm bị hụt giải Nhà sản xuất của năm trong giải Âm nhạc Cống hiến 2021 đã để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ.

Có một thời, các ban nhạc trở thành yếu tố chủ chốt cách tân, định hướng và tiên phong mở ra các xu hướng mới trong làng nhạc Việt. Tuy nhiên, với sự thay đổi của thị trường âm nhạc, các ban nhạc đang hoạt động manh mún và không có sân khấu biểu diễn thực thụ cho mình. Một số  ban nhạc hiện nay hoạt động như một hình thức “làm nền” cho ca sĩ. Số nhạc công được đào tạo bài bản và theo đuổi nghề ngày càng ít đi. Bước chân vào âm nhạc, hầu như người ta mặc định phải làm ca sĩ thì mới nổi tiếng được.

Vì sao Dương Cầm gây tiếc nuối khi hụt giải Cống hiến? ảnh 1

Nhạc sĩ Dương Cầm.

Là người được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mô hình ban nhạc và hiện đang là trưởng ban nhạc Background, Dương Cầm hiểu hơn ai hết những khó khăn để duy trì và phát triển ban nhạc ở Việt Nam. Bandland là ý tưởng được nhạc sĩ nung nấu suốt một thời gian dài và có cơ hội bắt tay thực hiện trong mùa giãn cách xã hội vì COVID-19 để mang lại món ăn tinh thần cho khán giả.

"Ngay cả Dương Cầm và các thành viên trong ban nhạc của mình cũng thiếu một sân chơi. Để duy trì được ban nhạc ở Việt Nam hiện nay, ngoài tình cảm gắn bó, chúng tôi hiện vẫn loay hoay và mày mò, chấp nhận chơi những sân chưa hẳn là đúng với mong muốn bởi cuộc sống", nam nhạc sĩ chia sẻ.

Vì sao Dương Cầm gây tiếc nuối khi hụt giải Cống hiến? ảnh 2

Ý tưởng Bandland ra đời trong những ngày xã hội bị cách ly do dịch COVID-19.

Anh cũng cho biết: "Các ban nhạc hiện nay rất tài năng, tôi muốn Bandland là sân chơi chung của chính mình và các đồng nghiệp. Được chơi với các ban nhạc indie tôi thấy mình cũng trẻ ra và cập nhật hơn. Hơn cả sân chơi, tôi hy vọng với sự góp sức, đam mê của từng người, Bandland sẽ trở thành vùng đất ươm mầm, phát hiện và phát triển cho ban nhạc sinh sôi và phát triển trong tương lai. Đây không phải là gameshow “sớm nở tối tàn” mà anh muốn chương trình đi thật lâu, thật xa”.

Sau gần 7 tháng ra mắt trên kênh YouTube riêng của chương trình, Bandland Channel đang dần trở thành một sân chơi hấp dẫn và cuốn hút. Các số của Bandland phát trên YouTube vào lúc 20 giờ 30 tối thứ 5 (tuần thứ nhất và tuần thứ 3 của tháng). Với thời lượng từ 15 - 25 phút/số, chương trình gồm 2 nội dung: Đời sống của ban nhạc (Life of band) và Sản phẩm phòng thu (Live in studio). Ngoài ra, Bandland còn tổ chức 1 số live on stage vào tối thứ 7 (tuần thứ 2 mỗi tháng) tại sân khấu tượng đài Cảm tử, phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

Vì sao Dương Cầm gây tiếc nuối khi hụt giải Cống hiến? ảnh 3 Sự kiện "Bandland Fest 2020" thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu nhạc trẻ. 

Ngoài tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc, từ phòng thu ra sân khấu, Bandland cũng sẽ tổ chức chuỗi chương trình Bandland season (diễn ra vào 4 mùa trong năm), để các ban nhạc trẻ có thêm cơ hội được giới thiệu sản phẩm, nâng cấp khả năng biểu diễn và đến gần với khán giả.

Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến việc mở rộng phát triển những hoạt động kích thích sự sáng tạo và nâng cấp nền tảng chuyên môn cho ban nhạc trẻ như Bandland camp (trại sáng tác), tọa đàm giáo dục âm nhạc, định hướng thưởng thức, quy trình sản xuất âm nhạc, và cuối cùng là hướng tới một lễ hội âm nhạc thường niên, những tour diễn dành riêng cho các ban nhạc tại Việt Nam. Giữa tháng 12/2020, Dương Cầm và ê-kip đã tổ chức thành công ngày hội "Bandland Fest 2020" - ngày hội các ban nhạc, thu hút sự tham gia của 1500 khán giả và quy tụ 17 ban nhạc quen thuộc trong cộng đồng yêu nhạc trẻ.

Vì sao Dương Cầm gây tiếc nuối khi hụt giải Cống hiến? ảnh 4

Bandland mở ra sân chơi chuyên nghiệp cho các ban nhạc trẻ.

Các ban nhạc đến với Bandland hầu hết là những ban nhạc độc lập, thuộc giới Indie. Với cộng đồng yêu nhạc này, nhiều ban nhạc cũng đã có chỗ đứng riêng, có sân khấu riêng. Nhưng để có được khoảng 10 - 12 phút lên sóng với khán giả trên Bandland Channel, mỗi ban nhạc vẫn phải bỏ ra hàng tháng để tập luyện, dàn dựng. Sau đó là một ngày đến phòng thu set up âm thanh, một ngày thu live không chỉnh sửa và lên sóng. Cũng để có được một sản phẩm như vậy, các ban nhạc đã phải qua khâu tuyển chọn và “kiểm duyệt” khắt khe của nhà sản xuất - nhạc sĩ Dương Cầm.

Bù lại, Bandland đem đến những trải nghiệm “đắt giá” cho các ban nhạc: Được làm việc trong một phòng thu với đầy đủ các thiết bị cao cấp, được chơi những nhạc cụ “xịn xò” và đặc biệt là được tư vấn về mặt chuyên môn để trở nên chuyên nghiệp hơn trong biểu diễn. Hiện tại, Bandland là sân chơi miễn phí dành cho các ban nhạc. Các ban nhạc đến đây đều chưa nhận được cát sê. Tuy nhiên, sau này, khi kênh được chi trả nhiều hơn từ YouTube, ban nhạc sẽ nhận được một phần lợi nhuận.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
TPO - Cảnh hoang vắng, đìu hiu trong khu tái định cư Thủ Thiêm; Chưa thực hiện miễn tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng NƠXH; Huyện sắp lên quận ở Hà Nội bổ sung hơn 760ha đất làm loạt khu đô thị mới; Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/11.