Quả thật, số lượng ngoại binh nhập tịch ở Việt Nam bây giờ đã nhiều hơn cả một đội hình, và phần lớn trong số họ đều đang hành nghề ở V-League.
Theo một thống kê chưa đầy đủ thì ở mùa bóng 2017, bóng đá Việt Nam đang có xấp xỉ 20 cầu thủ nhập tịch, cụ thể bao gồm thủ môn Nguyễn Quốc Thiện Esele (tên gốc là Theophilus Esele, quốc tịch gốc Nigeria), trung vệ Hoàng Vissai (Dio Preye, Nigeria), trung vệ Nguyễn Hữu Long (Danny Van Bakel, Hà Lan), trung vệ Lê Văn Phú (Issifu, Ghana), tiền đạo Đinh Hoàng Max (Maxwell Eyerakpo, Nigeria), tiền vệ Nguyễn Trung Sơn (Jefferson, Brazil), tiền đạo Lê Văn Tân (Jonathan, Ghana), tiền đạo Hoàng Vũ Samson (Samson Kayode, Nigeria), tiền vệ Trần Trung Hiếu (Kizito, Uganda), tiền đạo Nguyễn Trung Đại Dương (Suleiman, Nigeria) và mới nhất là chân sút Đỗ Merlo (Argentina). Nếu tính thêm cả lứa ngoại binh nhập tịch thế hệ đầu tiên như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Trần Lê Martin, Nguyễn Hoàng Helio, Đoàn Marcelo... thì con số cầu thủ nước ngoài đá bóng ở Việt Nam dưới tên Việt có thể lên tới vài chục người.
Xét về lý thuyết thì đây rõ ràng là một nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho ĐTQG, nhưng vì nhiều lý do, số lượng ngoại binh nhập tịch được triệu tập vào ĐTQG chỉ đếm được trên một bàn tay và kéo dài đúng 1 năm. Những ngoại binh may mắn ấy gồm có 2 thủ môn Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, tiền đạo Kesley và tiền đạo Đinh Hoàng Max. Số ngoại binh nhập tịch này đã được gọi lên ĐTQG trong giai đoạn 2008-2009 và kể từ đó đến nay, không có thêm ngoại binh nhập tịch nào được khoác lên mình chiếc áo ĐTQG, mặc dù danh sách cầu thủ Tây mang tên Việt ở V-League ngày càng đông đảo.
Ngoại binh đầu tiên được khoác áo ĐTQG là Phan Văn Santos, khi thủ môn gốc Brazil này được gọi vào ĐTQG chuẩn bị cho AFF Cup 2008. Tuy nhiên, ở Cúp bóng đá quốc tế TPHCM diễn ra trước AFF Cup 2008 khoảng 2 tháng, Santos dù được ưu ái bắt chính nhưng đã thi đấu rất không tốt nên bị giới chuyên môn chỉ trích khá nặng nề. Sau khi kết thúc Cúp bóng đá quốc tế TPHCM, trong lúc ĐTQG di chuyển ra Hà Nội để tiếp tục tham dự một giải giao hữu khác thì Santos bất ngờ... gửi e-mail cho HLV Calisto để xin tạm thời rút khỏi ĐTQG vì lý do cá nhân, mà nguyên nhân thực sự là vì Santos giận dỗi do bị chỉ trích bởi những sai lầm mắc phải ở Cúp bóng đá quốc tế TPHCM.
Phần sau đó đã trở thành lịch sử, khi nhờ có sự rút lui của Santos, thủ môn Dương Hồng Sơn đã có cơ hội vươn lên vị trí số 1, góp công lớn giúp ĐTQG giành chức vô địch AFF Cup 2008 với danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải, và cùng năm đó Hồng Sơn cũng giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.
Có vẻ như khởi đầu không thật thuận lợi của Santos ở ĐTQG đã khiến cho các ngoại binh nhập tịch sau này không còn cơ hội dễ dàng đến với ĐTQG như những nội binh đồng nghiệp.
Không phải ngoại binh nhập tịch nào ở Việt Nam cũng có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp như Santos (xin rời ĐTQG vì giận dỗi), và cũng không hiếm trường hợp cầu thủ nội từ chối khoác áo ĐTQG vì những lý do không thuyết phục, nhưng sự thực là rất nhiều ngoại binh ở Việt Nam, gồm cả những người đã nhập quốc tịch và chưa nhập quốc tịch, đều có vấn đề về thái độ chuyên nghiệp, và bởi thế người ta luôn lo ngại ý thức màu cờ sắc áo của họ khi trở thành ĐTQG.
Mặt khác, xét về truyền thống, Việt Nam không phải là một quốc gia đa chủng tộc để có thể dễ dàng chấp nhận sự hiện diện của ngoại binh nhập tịch trong đội hình, bởi dù có thể mang tên Việt Nam nhưng những ngoại binh này vẫn khác lạ so với các cầu thủ nội chính gốc. Hơn nữa, trừ một số ít cầu thủ ngoại trở thành nội binh nhờ lấy vợ Việt Nam, đa số ngoại binh ở Việt Nam đều được nhập tịch theo quy định đã có 5 năm sống và lao động liên tục tại Việt Nam, nên đến lúc họ đủ điều kiện nhận quốc tịch Việt Nam thì cũng là lúc họ ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, chẳng hạn Đỗ Merlo năm nay đã 32 tuổi.
Vì thế mới nói cánh cửa vào ĐTQG với ngoại binh nhập tịch hiện tại vẫn còn rất xa.