Vì sao doanh nghiệp bội ước với dân không bị xử lý?

Vì sao doanh nghiệp bội ước với dân không bị xử lý?
TP - Khuyến khích và hứa hỗ trợ người dân trồng dong riềng làm nguyên liệu cho chế biến tinh bột, nhưng Nhà máy Sản xuất tinh bột dong riềng xuất khẩu Long Giang (Quảng Bình) lại không thu mua mà chuyển sang sản xuất tinh bột sắn, khiến hàng trăm hộ dân trồng dong riềng điêu đứng.

> Dân sợ nhà máy... 'chúa chổm'

Đầu tư một đằng, sản xuất một nẻo

Tháng 1/2008, UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Cty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh đầu tư Nhà máy sản xuất tinh bột dong riềng xuất khẩu Long Giang, công suất 3.600 tấn/năm ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Tổng đầu tư của dự án trên 40 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi 50%. Đồng thời, tỉnh Quảng Bình cũng đã thông qua quy hoạch vùng nguyên liệu dong riềng cho nhà máy là 3.000 ha, chủ yếu ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Đến giữa năm 2012, Nhà máy Long Giang hoàn thành và đi vào hoạt động. Thay vì sản xuất tinh bột dong riềng như mục đích đầu tư, nhà máy lại đi thu mua sắn trong dân (thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh) để sản xuất.

Do dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải không phải đầu tư cho sản xuất tinh bột sắn nên chỉ sau một thời gian vận hành, Nhà máy Long Giang đã gây ô nhiễm trên diện rộng. Thậm chí, nhà máy này thường xuyên xả thải trộm, không chỉ gây ô nhiễm không khí mà ruộng vườn, kênh rạch, sông ngòi trong vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Vi phạm Luật đầu tư, không bị xử lý

Để được nhận hơn 20 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, Cty Long Giang Thịnh đã cam kết với tỉnh Quảng Bình đầu tư nhà máy sản xuất tinh bột dong riềng, tạo cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế cho hàng nghìn hộ dân vùng đồi ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai dự án, theo ông Ông Văn Thuyết (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Ninh), vùng nguyên liệu dong riềng của nhà máy chỉ dừng ở mức 20 ha, thay vì 3.000 ha như cam kết. Không những không phát triển mà vùng nguyên liệu nhỏ bé này đang bị giảm dần do người dân phá bỏ cây dong riềng để trồng cây khác vì Nhà máy không thu mua.

 Vụ đầu, Nhà máy có về thu mua thật nhưng sau đó mất tăm. Chờ hết vụ này sang vụ khác, chúng tôi đành phá bỏ để trồng cây khác. Không ít gia đình vì quá hăng hái mà mang nợ vì cây dong riềng.

Hà Thị Oanh, một hộ trồng dong riềng

Bà Hà Thị Oanh (một hộ trồng dong riềng) chua chát nói: “Thấy chính quyền tuyên truyền vận động, người của nhà máy về hứa sẽ hỗ trợ vốn và thu mua dong riềng đảm bảo có lãi, dân chúng tôi thi nhau trồng. Vụ đầu, nhà máy có về thu mua thật nhưng sau đó mất tăm. Chờ hết vụ này sang vụ khác, chúng tôi đành phá bỏ để trồng cây khác. Không ít gia đình vì quá hăng hái mà mang nợ vì cây dong riềng”.

Việc bội ước với dân và không thực hiện như cam kết khi đầu tư dự án, quay ngoắt sang tranh mua nguyên liệu sắn để sản xuất của Nhà máy Long Giang rõ ràng là phạm luật, nhưng không hiểu sao vẫn không bị xử lý một cách rốt ráo.

Cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Bình, trong các văn bản đều khẳng định, việc làm trên của Nhà máy Long Giang là vi phạm luật, yêu cầu nhà máy ngừng thu mua, sản xuất tinh bột sắn mà tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu dong riềng.

Sau sự cố người dân tập trung phản đối Nhà máy Long Giang gây ô nhiễm môi trường do sản xuất tinh bột sắn và bội ước với dân, ngày 3/1/2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình – ông Nguyễn Xuân Quang ký quyết định dừng hoạt động sản xuất của Nhà máy tinh bột dong riềng Long Giang. Tuy nhiên, chỉ hơn nửa tháng sau, chính ông Quang lại ra quyết định cho hoạt động trở lại với lý do nhà máy đã khắc phục xong sự cố môi trường.

Dư luận cho rằng, quyết định trên của ông Quang đã thành “bảo bối” để Nhà máy tinh bột dong riềng Long Giang tiếp tục làm ăn chụp giật, tranh mua, tranh bán nguyên liệu sắn mà không tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu dong riềng theo như cam kết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG