Vì sao dân không chịu?

Vì sao dân không chịu?
TP - Đã hơn 2 tháng kể từ hạn cuối (6-8) 31 hộ dân ở dưới chân núi Ba Hòn phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm theo quyết định của UBND huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, phương án bất thành do người dân không chấp hành.
Người dân dưới chân núi Ba Hòn vẫn chưa chịu rời chân núi tử thần
Người dân dưới chân núi Ba Hòn vẫn chưa chịu rời chân núi tử thần.

Núi Ba Hòn thuộc khu phố Hoà Lập, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương, Kiên Giang), đây là một mỏ đá lộ thiên đã từng bị khai thác một thời gian, sau đó bị cấm do liên quan an ninh quốc phòng và môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Trưởng khu phố Hòa Lập cho biết: “Từ tháng 7-2012, do mưa lớn kéo dài, đá trên núi liên tiếp lăn xuống làm hư hại bảy nhà dân. Mấy năm trước, đá rơi làm hai vợ chồng thiệt mạng và một ngư phủ bị thương nặng. Hiện tượng đá rơi bất thường sẽ còn tiếp tục. Đó là lý do chính quyền các cấp đang thuyết phục người dân di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, mới có 9 hộ chuyển đồ đạc đi nơi khác. Hiện có tổng cộng 200 hộ dân sống quanh núi Ba Hòn”. Đá chủ yếu rơi ban đêm lúc người dân đang ngủ.

Nói về lý do chưa chịu di dời bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Sau cơn bão số 5 năm 1997, gia đình tôi từ Bến Tre trôi dạt vào đây, dựng nhà, tiếp tục làm nghề biển. Nhà bây giờ có hai vợ chồng với bảy người con. Nay đưa đi ra khỏi vùng biển, cách cả chục kilômét, chúng tôi sẽ sống bằng nghề gì. Bắt dân mua đất, cất nhà mới ngay thì tiền đâu ra. Con cái sẽ học hành ra sao?”.

Ông Lâm Văn Ni nói: “Gia đình chúng tôi sinh sống từ năm 1990 tới nay làm nghề lưới biển. Đất của toàn bộ dân dưới chân núi này không được cấp sổ đỏ. Đường sá, hạ tầng dân tự làm. Điện tự kéo chia hơi, giá 5.500đ/kw; nước ghe chở tới nhà, giá 50.000/m3. Bảo dân đi phải có phương án bồi thường cụ thể, chứ không thể nói chỉ hỗ trợ di dời được”.

Ông Lê Hùng Lĩnh – Phó chủ tịch UBND huyện Kiên Lương cho biết, Huyện rất lo lắng trước tình hình đá trên núi Ba Hòn liên tiếp rơi vào nhà dân.

UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản chỉ đạo, tất cả vì sự an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong vùng bị sạt lở.

Vì thế theo ông Lĩnh việc di dời khẩn cấp người dân khỏi vùng nguy hiểm là cần thiết. Sẽ bố trí người dân ở vùng gần nhất để họ tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển.

Trước mắt vẫn tiếp tục vận động 31 hộ dân sát chân núi di dời. Huyện sẽ chi tiền thuê nhà trọ cho dân trong mấy tháng đầu. Nếu dân không chịu đi – huyện phải cưỡng chế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG