Vì sao cồn cát biển Cửa Đại không ngừng mở rộng?

Vì sao cồn cát biển Cửa Đại không ngừng mở rộng?
TPO - Vào mùa hè, sóng lừng mang cát từ biển vào bồi cho bờ, khi gặp cồn cát chắn ngang đã tiếp tục bồi cho cồn cát.

Theo số liệu khảo sát mới nhất, cồn cát Cửa Đại tiếp tục mở rộng. Hiện cồn có diện tích phần nổi 13,625ha; chu vi 3, 649km. Chiều dài (2 điểm xa nhất) 1.126m (tăng 83m về phía Bắc và Nam, so với thời điểm quan trắc ngày 31/3 là 1.043m). Chiều rộng lớn nhất 220m (tăng 20m về phía Đông, so với thời điểm quan trắc ngày 31/3 là 200m). Chiều cao trung bình so với mặt nước biển là 2m.

Lý giải về việc cồn tiếp tục mở rộng, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, đây là hiện tượng bình thường của quá trình hình thành và phát triển các cồn cát. Cụ thể vào mùa hè sóng dài kết hợp với gió nam (gồm gió tây nam và đông nam) và sóng lừng mang cát từ những độ sâu lớn ngoài biển vào bồi cho bờ. Quá trình bồi cho bờ, do cồn cát hình thành chắn ngang nên cát được mang từ biển vào sẽ bồi luôn cho cồn khiến cho cồn không ngừng được mở rộng.

PGS Vũ Thanh Ca cũng cho biết, cồn cát này là món quà của tự nhiên dành cho bờ biển sạt lở Cửa Đại ở phía bắc nên tuyệt đối không sử dụng vào mục đích khác như khai thác cát, làm đảo nhân tạo.

Ông cho biết, vào mùa đông tại vùng biển này có xu hướng vận chuyển cát từ bắc xuống nam. Vào mùa hè có xu hướng vận chuyển từ nam ra bắc. Các nhà khoa học đã tính toán, lượng cát từ bắc xuống nam lớn gấp 4 lần lượng cát từ nam lên bắc. Trước do lượng phù sa sông lớn nên dù được bồi ắp ít hơn nhưng bờ biển bắc Cửa Đại không bị sạt lở, thậm chí còn bồi ra biển. Hiện nay, do ảnh hưởng của hệ thống thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn, lượng phù sa giảm hẳn đã dẫn đến tình trạng sạt lở.

PGS Ca cho rằng, nên dùng một phần cát của cồn cát mới hình thành, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, hỗ trợ quá trình bồi đắp tự nhiên cho bờ bắc để hạn chế tình trạng sạt lở.

PGS.TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ, cồn cát Cửa Đại sẽ không đứng yên mà liên tục biến động và thay đổi hình dạng. Sự biến động của cồn cát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bão, lũ trên sông Vu Gia-Thu Bồn, sóng theo mùa và triều, đặc biệt là tác động của con người.

Trước đó, PGS Tùng nêu giả thiết cồn cát Cửa Đại được hình thành do lũ đột biến trên sông Vu Gia-Thu Bồn. Tại đây đã tồn tại một cồn cát ngầm nhiều năm, được hình thành do quá trình sạt lở bờ bắc và lũ trên sông Vu Gia-Thu Bồn. Năm 2017, diễn ra trận lũ lịch sử từ 4-7/11/2017, sông Thu Bồn mang ra biển một lượng bùn cát bằng một nửa tổng lượng bùn cát cả năm.

Theo ước tính của các nhà khoa học, trong 4 ngày lũ, sông Thu Bồn mang ra biển tới 3,12 triệu tấn bùn cát, bằng 55% tổng lượng bùn cát của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong cùng năm. Lượng bùn cát này lớn hơn so với trung bình lượng bùn cát đổ ra biển hàng năm của Vu Gia – Thu Bồn (khoảng 2,5-2,8 triệu tấn). Đây chính là yếu tố đột biến giúp cồn cát Cửa Đại nhô lên khỏi mặt biển.

MỚI - NÓNG