Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội:

Vì sao có tiền nhưng không tiêu được?

Cá ngừ đại dương - nguồn lợi từ kinh tế biển Ảnh: G.M
Cá ngừ đại dương - nguồn lợi từ kinh tế biển Ảnh: G.M
TP - “Trong vòng 2 năm, khi mà tư nhân đã xây dựng xong sân bay thì dự án đầu tư công của chúng ta vẫn chưa xong phần thủ tục, chưa tổ chức đấu thầu, tổ chức thi công. Vì thế, dù có tiền rồi nhưng không sao tiêu được, làm khác quy trình cái là thanh tra, kiểm toán có ý kiến ngay”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phản ánh tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội, sáng 24/10.

Thủ tục rườm rà, nhiều khâu trung gian

 Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, những kết quả mà kinh tế- xã hội đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn từ việc đầu tư xây dựng hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng phản ánh một thực tế là thủ tục đầu tư xây dựng trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay rất rườm rà, nhiều quy trình, nhiều khâu trung gian… dẫn tới, với thời gian 2 năm, trong khi tư nhân đã làm xong sân bay Vân Đồn thì một số dự án đầu tư công vẫn chưa xong phần thủ tục, chưa nói đến khâu đấu thầu, tổ chức thi công. “Nhiều dự án dù có tiền rồi nhưng không làm sao tiêu được. Vì đúng quy trình là phải như thế, làm khác thì bị thanh tra kiểm toán, kết luận là sai ngay”, ông Thể phản ánh. 

Để rút ngắn thủ tục, thời gian thực hiện dự án, ông Thể đề xuất, cần ấn định thời gian thực hiện các công việc của dự án, đồng thời không giao cho quá nhiều các khâu trung gian. “Bộ GTVT làm thì giao cho chúng tôi chịu hết trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Ai làm sai người đó sẽ phải chịu và bị xử lý nghiêm minh”, ông Thể nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư cho rằng việc triển khai thực hiện các công trình là “quá chậm”. “Đất nước muốn phát triển thì phải có công trình chứ. Trong khi đó 2- 3 năm nay chúng ta có tiền, Quốc hội cũng đã quyết định, thế mà không triển khai được. Cái này cần phải phân tích kỹ. Nếu vướng về thủ tục thì phải thay đổi thủ tục, chứ có tiền mà không đầu tư được thì rất gay, làm sao tạo ra của cải vật chất được”, ông Vượng nói.

Về phát triển kinh tế- xã hội, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ sự băn khoăn là trong báo cáo của Chính phủ không đề cập đến nội dung kinh tế biển. “Đất nước của mình là đất nước của biển. Trung ương vừa rồi thảo luận và ra nghị quyết về kinh tế biển. Do đó chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế biển”, ông Vượng nói. Theo ông, Việt Nam có mấy chục triệu người sống nhờ biển. Nếu trong các kế hoạch hàng năm không nói gì đến kinh tế biển thì không ra được kế hoạch 5 năm, 10 năm. “Báo cáo của Chính phủ cần đề cập đến vấn đề này, vì đây là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Nếu chúng ta có mở rộng không gian sinh tồn thì cũng là tiến ra biển”, ông Vượng nói thêm.

“Đừng mặc áo quá đầu”, phải “liệu cơm gắp mắm”

 Chia sẻ về vấn đề kinh tế- xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “kết quả mà chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua là tương đối toàn diện”. Đặc biệt, đời sống các thành phần xã hội được nâng lên một bước, từ miền núi đến miền biển, đô thị. Bên cạnh đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tốt hơn. “Tôi đi 4 đợt liền, toàn quốc gia lớn, họ trân trọng Việt Nam hơn so với trước đây, phần lớn đóng góp của mình được chấp nhận. Tất nhiên còn rất nhiều bất cập tồn tại trong báo cáo mà Chính phủ đã nhìn nhận thẳng thắn”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong sự phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.

“Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không? Đó là câu hỏi lớn của Chính phủ. Các địa phương cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp từ người dân; tiếp tục phát triển, thu hút FDI có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế lại”, Thủ tướng cho hay, đồng thời lưu ý không “mặc áo quá đầu” và phải “liệu cơm gắp mắm” để giữ cân đối, kể cả nợ công. “Đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng phải đúng mức, hiệu quả. Tất nhiên nếu dừng lại không làm gì cũng chết nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, phải tiến hành mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, cần đặt ra ở các cấp, các ngành. Nguyên tắc khi thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng là tôn trọng quyền con người, tài sản công dân. Quan điểm trong công cuộc này là phải làm nghiêm túc, nếu không tốt gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Cũng đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng có cảm giác như vẫn chưa “sờ trúng gáy” những đối tượng tham nhũng tầm cỡ. “Chủ trương phòng chống, xử lý tham nhũng của chúng ta là phải có tình có lý nhưng không được tạo ra các vùng cấm. Bởi nếu có vùng cấm, có chỗ lách, chỗ tránh thì sẽ có chỗ hở để đối tượng tham nhũng nương náu”, ông Được nói. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Bộ trưởng Bộ TT&TT

 Sáng 24/10, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng với tỷ lệ tán thành đạt 95,05%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, nguyên quán tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh; là kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia. Trước khi làm bộ trưởng ông đã trải qua nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT.

MỚI - NÓNG