Vì sao cơ thể chúng ta thường xuyên thiếu sắt?

Thiếu sắt có thể gây chóng mặt, mệt mỏi.
Thiếu sắt có thể gây chóng mặt, mệt mỏi.
TPO - Sắt là một phần thiết yếu trong máu. Trong các tế bào hồng cầu cần thiết phải có một loại protein gọi là huyết sắc tố hemoglobin giúp mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi bạn không có đủ chất sắt trong hệ thống tuần hoàn để giúp các tế bào hồng cầu có thể chuyển tải được oxy. 

Khi cơ thể bạn thiếu các tế bào hồng cầu, cũng có nghĩa là bạn sẽ nhận được một lượng oxy ít hơn nhu cầu cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến các triệu chứng thường gặp của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, bao gồm: mệt mỏi, khó thở và chóng mặt.

Phụ nữ đang mang thai sẽ cần sắt nhiều hơn vì khi mang thai, cơ thể người phụ nữ cần tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn để cung cấp cho tử cung và em bé đang phát triển. Cùng lúc, do nhu cầu của cơ thể cần nhiều tế bào hồng cầu hơn sẽ dẫn đến nguy cơ suy kiệt nguồn cung cấp sắt. 

Do vậy, các bác sĩ thường xuyên kiểm tra nồng độ sắt ở phụ nữ mang thai. Một xét nghiệm máu đầy đủ sẽ kiểm tra mức độ huyết sắc tố hemoglobin, còn các xét nghiệm máu khác có thể kiểm tra được nồng độ sắt.

Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh cũng có thể bị thiếu sắt. Điều này thường xảy ra vào khoảng chín tháng tuổi. Các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hemoglobin khi đứa trẻ được một tuổi.

Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có nguy cơ cao bị mất sắt do bị mất máu, đặc biệt đối với người có kinh nguyệt nhiều. Nếu bạn đang trong chu kỳ, có lúc bị mất máu nhiều hoặc có triệu chứng thiếu máu, bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu sắt và các nguyên nhân khác làm tăng lượng sắt bị mất.

Ung thư đại tràng có thể gây chảy máu trong dẫn đến thiếu sắt. Bác sĩ có thể kiểm tra ung thư bằng cách nội soi đường tiêu hóa của bạn. Nội soi được khuyến cáo cho tất cả nam giới và phụ nữ sau mãn kinh có biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt không rõ nguyên nhân. 

Bên cạnh ung thư, các bệnh đường tiêu hóa khác cũng có thể gây chảy máu và là nguyên nhân phổ biến gây thiếu sắt. Chúng bao gồm bệnh loét và bệnh viêm ruột. Bác sĩ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm tương tự như đối với bệnh ung thư để tìm nguyên nhân gây ra các bệnh này.

Những người hiến máu thường xuyên cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị thiếu sắt. Một người được phép hiến máu một lần sau tám tuần. Tuy nhiên, hiến máu nhiều hơn ba lần một năm có thể dẫn đến thiếu sắt. 

Cơ thể cũng có thể bị thiếu sắt nếu bạn bị các bệnh tiêu hóa cản trở khả năng hấp thu chất sắt. Bệnh Crohn (viêm ruột), viêm loét đại tràng và bệnh loét dạ dày là những nguyên nhân phổ biến. 

Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác làm giảm sự hấp thụ sắt, bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ một phần đường tiêu hóa, thường được thực hiện trong các trường hợp mắc ung thư, bệnh đường ruột hoặc trong trường hợp phẫu thuật nhằm làm giảm cân. Trẻ em uống từ 500ml đến 700ml sữa bò mỗi ngày cũng có thể bị thiếu sắt vì sữa bò làm giảm khả năng hấp thụ sắt.

Thiếu máu do thiếu sắt cũng có thể do thiếu dinh dưỡng. Nếu bạn ăn một chế độ ăn bình thường, bạn có thể có đủ chất sắt từ thức ăn. Thực phẩm có hàm lượng sắt cao nhất là thịt và hải sản. 

Nếu bạn là người ăn chay, chế độ ăn uống của bạn có thể là nguyên nhân gây thiếu sắt. Một nguyên nhân khác là có chế độ ăn kém hoặc ăn kém ngon miệng. Được chẩn đoán bị suy tim cũng làm tăng đáng kể nguy cơ thiếu sắt.

Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao bị thiếu sắt, bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu để loại trừ tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra bạn nếu bạn có các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt như mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở hoặc đau đầu. Quá trình điều trị có thể bao gồm tìm kiếm nguyên nhân và thay thế sắt bằng các chất bổ sung sắt hoặc thay đổi chế độ ăn uống.

Theo Healthgrades
MỚI - NÓNG