Vì sao cao tốc phải hạ tốc?

Vì sao cao tốc phải hạ tốc?
TP - Được thiết kế với tốc độ 120 km/h, tuy nhiên sau nửa năm hoạt động, đại lộ Thăng Long - Hà Nội không đạt được tốc độ thiết kế, thậm chí còn phải hạ xuống 80km/h.

Đại lộ Thăng Long:

Vì sao cao tốc phải hạ tốc?

> Tốc độ tối đa trên Đại lộ Thăng Long là 80km/h 

Theo phương án phân luồng trên đại lộ Thăng Long của Sở GTVT Hà Nội, thay vì đi với vận tốc tối đa là 100km/h như trước đây, từ ngày 3-4, các phương tiện tham gia giao thông trên làn cao tốc chỉ được chạy với tốc độ cao nhất là 80km/h ở làn 1 và 2; 60km/h ở làn đường 3; riêng làn 4 dùng cho việc dừng khẩn cấp.

Anh Nguyễn Đình Quốc, một người dân ở xã Đại Mỗ, Từ Liêm cho biết, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, các làn cao tốc cũng chỉ dành riêng cho ô tô lưu thông nhưng nếu chỉ cho xe chạy với tốc độ 80km/h là quá thấp. “Tốc độ này chỉ phù hợp với quốc lộ. Sau hơn nửa năm hoạt động, tốc độ tuyến đường không những không đạt so với thiết kế mà còn bị hạ lên hạ xuống như vậy là điều rất khó hiểu”.

Cũng theo nhiều lái xe, ngoài không đạt tốc độ thiết kế, việc hạ tốc còn khiến các lái xe ức chế mà vi phạm luật nhiều hơn. Sáng 4-4, hầu hết ô tô khi qua một số chốt CSGT trên tuyến đường này như nút giao quốc lộ 21, nút giao Thạch Thất, nút giao Hoàng Xá… đều nhấn ga chạy với tốc độ 90 đến trên 100km/h.

CSGT dừng một số xe nhưng do là những ngày đầu nên chỉ nhắc nhở. “Nếu trên tuyến có đoạn nào chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng hoặc đang thi công cầu vượt thì chỉ khoanh vùng hạn chế tốc độ ở đoạn đó, không nhất thiết phải áp dụng cho cả đại lộ”, anh Nguyễn Văn Công, một người tham gia giao thông trên đại lộ Thăng Long đề xuất.

Giảm tốc vì đường xấu

Lý giải về việc hạn chế tốc độ Sở GTVT Hà Nội cho biết, gần đây đại lộ xuất hiện nhiều điểm lún nứt, đặc biệt là mặt đường nhiều đoạn gồ ghề nên để đảm bảo giao thông phải giảm tốc độ cho phép tốc độ từ 100 xuống còn 80km/h. “Quyết định được đưa ra sau khi Sở GTVT kiểm tra tuyến đường và Ban quản lý dự án đại lộ Thăng Long cũng có ý kiến”, ông Trần Anh Tuấn, Phó phòng Giao thông đô thị Sở GTVT nói.

Ông Hồ Ngọc Loan, Phó tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho rằng, do tuyến đường đang phải hoàn thành các khâu kỹ thuật nên để tránh tai nạn phải hạ tốc. Điều này cũng phù hợp với quy định tạm thời về tốc độ trên đại lộ Thăng Long của Bộ GTVT. “Do thấy đường đẹp nên vừa qua Sở GTVT Hà Nội đã nâng tốc độ lên 100km/h, còn chủ trương của ban cũng như quy định của Bộ chỉ là 80km/h”, ông Loan nói.

Ông Loan cho biết tốc độ 100 hay 120km/h theo thiết kế chỉ đạt được khi nhà thầu hoàn thành hệ thống kỹ thuật, trong đó có việc bù lún. Tuy nhiên, vẫn chưa biết khi nào tuyến đường đạt được tốc độ này. Theo ông Loan, sẽ cố gắng hoàn thành hệ thống cầu vượt trong năm nay sau đó thảm lớp nhám (bê tông nhựa thảm mặt - PV) ở làn cao tốc bên trái (hướng Hòa Lạc - Hà Nội), còn làn cao tốc bên phải do đang bị lún nên cần phải theo dõi tiếp.

Đội CSGT số 11, Công an Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên hai làn cao tốc đại lộ Thăng Long chưa xảy ra vụ tai nạn nào dẫn đến chết người. Vì vậy, theo các chuyên gia cầu đường, chủ đầu tư và nhà thầu cần khoanh vùng và xử lý ngay các khu vực bị lún nứt chứ không thể vì lỗi thi công lại bắt các phương tiện đi lại với tốc độ rùa.

Đại lộ Thăng Long có tổng mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài hơn 29km, mặt cắt ngang 140m nối trung tâm Hà Nội với các khu đô thị, công nghiệp vệ tinh ở phía Tây nam. Với 6 làn đường (2 cao tốc, 2 đường gom, 13 cầu vượt cắt ngang) sau khi hoàn thành đây là tuyến đại lộ hiện đại nhất Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG