Vì sao các dự án BT, BOT giao thông ở TPHCM bị 'khai tử'?

Cầu đường Bình Triệu 2 là một trong những dự án BOT bị khai tử để chuyển sang dùng nguồn vốn ngân sách
Cầu đường Bình Triệu 2 là một trong những dự án BOT bị khai tử để chuyển sang dùng nguồn vốn ngân sách
TP - TPHCM đã chính thức khai tử 2 dự án giao thông trọng điểm đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và đang xem xét dừng hàng loạt dự án khác để chuyển qua dùng vốn ngân sách, trong khi nguồn này đang rất khan hiếm.

Hai dự án BOT bị dừng là cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) và cầu Tân Kỳ - Tân Quý.

Chỉ áp dụng đầu tư BOT với các tuyến đường mới

 Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 18/6, đường trục Bắc - Nam (đoạn từ cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) mới đưa vào sử dụng từ năm 2017 và chưa làm thủ tục bàn giao nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp. Mặt đường nhiều vị trí vừa được vá lại nhằm đảm bảo an toàn giao thông theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM. Trước đó, qua kiểm tra, Sở GTVT có văn bản ghi nhận hiện trạng mặt đường xuất hiện nhiều vị trí rạn nứt, lún không đều làm mất độ dốc ngang, võng mặt đường gây đọng nước kéo dài sau khi mưa. Nhiều vị trí vỉa hè hư hỏng...

Công trình trên được khởi công vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) ứng vốn đầu tư và được UBND thành phố TPHCM thanh toán lại bằng giao đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến thời điểm này, đường trục Bắc - Nam (đoạn từ cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) là một trong những dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) hiếm hoi ở TPHCM về đích. Nhiều “anh em song sinh” khác không may mắn như vậy.

Vì sao các dự án BT, BOT giao thông ở TPHCM bị 'khai tử'? ảnh 1 Đường trục Bắc - Nam (đoạn từ cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ), tức đường Nguyễn Cơ Thạch, là một trong những dự án BT hiếm hoi về đích


Mới đây, báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, 2 dự án giao thông trọng điểm, bao gồm cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) và cầu Tân Kỳ - Tân Quý, đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương dừng hợp đồng BOT để chuyển qua dùng vốn ngân sách.

Dự án BOT cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO là nhà đầu tư được khởi công cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng và hiện đã thi công đạt 70% khối lượng. Riêng dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2) được UBND TPHCM và Công ty CII ký kết hợp đồng BOT năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. CII đã hoàn thành một số hạng mục nhưng chưa được thu phí hoàn vốn do các giai đoạn sau chưa triển khai, chưa đủ điều kiện để thu.

Ngoài hai dự án trên, 2 dự án bãi đậu xe ngầm cũng được đề xuất ngưng hợp đồng BOT. Theo ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, UBND thành phố đang giao các sở ban ngành rà soát những dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm 13 dự án theo hình thức BT và 2 dự án BOT để có hướng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Vì sao hàng loạt dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách bị khai tử? Ông Lâm cho hay, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 quy định các dự án đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không thực hiện ở các dự án cải tạo, nâng cấp những tuyến đường hiện hữu. Do đó, các dự án nếu tiếp tục triển khai theo hình thức BOT sẽ trái nghị quyết.

“Bầu sữa” có hạn

 “Các dự án BOT đã và đang triển khai rồi phải dừng lại là chưa có tiền lệ. TPHCM đã chấp nhận dừng dự án và giao các sở ban ngành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng và đàm phán với các nhà đầu tư để chuyển từ hợp đồng BOT qua sử dụng vốn ngân sách”, ông Lâm nói.

Thời gian qua, TPHCM tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm tại các điểm “nóng” về ùn tắc như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái... góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Theo lãnh đạo Sở GTVT, TPHCM đang tập trung thực hiện các dự án, trục đường lớn, như nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây cầu Thủ Thiêm 2, đường vành đai 2 - đoạn 3 (từ nút giao thông Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng)...

Một số công trình đang hoàn tất thủ tục đầu tư, như đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (đoạn 1), từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2), từ nút giao An Lập (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh (đoạn 4), xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (giai đoạn 1), xây cầu vượt thép ngã tư Bốn Xã...

Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình giao thông trọng điểm đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là về khả năng huy động vốn. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 bố trí theo tiến độ và khả năng thực hiện các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông chỉ đạt 12.626 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 27% nhu cầu dự kiến. Nguồn vốn ngoài ngân sách, mặc dù được kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức PPP trong giai đoạn 2016- 2020 chỉ ở mức 16.966 tỷ đồng (khoảng 13% nhu cầu). Trong khi đó, các dự án do Bộ GTVT đầu tư ở TPHCM như đường vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở GTVT, tính đến tháng 4, TPHCM đã làm mới và đưa vào sử dụng 338km đường giao thông (kế hoạch là 272km), đạt 124%. TPHCM xây dựng mới 68/76 cây cầu, đạt 89,5%. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị hiện đạt 10,26%/12,2%... Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều chuyên gia đã chỉ ra điểm nghẽn lớn trong thực hiện các công trình giao thông ở TPHCM là vốn đầu tư; ước tính chỉ đáp ứng khoảng 35,7% nhu cầu thực tế (61.000 tỷ đồng/150.000 tỷ đồng). Thực chất trong 338 km đường giao thông, chỉ có 152 km xây mới bằng vốn ngân sách. Số còn lại (186 km) là tiếp nhận từ các khu dân cư, không có nhiều ý nghĩa về giao thông chính. Nói cách khác, TPHCM chỉ làm được 152 km đường giao thông, đạt 56%, chứ không phải 124%.

Theo ông Trần Quang Lâm, Sở GTVT TPHCM, thành phố đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí xác định mức độ ưu tiên đầu tư dự án giao thông cũng như thứ tự ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các dự án cấp bách, như: khép kín vành đai 2, vành đai 3, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao số 1, số 5...

MỚI - NÓNG