Vì sao bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích Mỹ?

Bộ trưởng Delfin Lorenzana. Ảnh: AP
Bộ trưởng Delfin Lorenzana. Ảnh: AP
TP - Trong lúc quan hệ Philippines - Mỹ đang dần khôi phục, bộ trưởng Quốc phòng Philippines kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung 1951 - nền tảng cho mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.

Bộ trưởng Delfin Lorenzana vừa công khai chỉ trích Mỹ là “vòng vo” trong Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), theo tường thuật của Rappler.

Trong MDT có đoạn: “Mỗi bên thừa nhận rằng một vụ tấn công vũ trang trên Thái Bình Dương vào bên kia sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của bên còn lại, và tuyên bố rằng mỗi bên sẽ hành động để đối phó với những mối đe dọa chung theo cách phù hợp với các quy trình hiến pháp”.

Điều này có nghĩa là Mỹ phải được quốc hội nước này chấp thuận nếu có bất kỳ cuộc can thiệp quân sự lớn nào trên danh nghĩa của Philippines. Nhưng câu hỏi được đặt ra là hiệp ước này được áp dụng trên quy mô như thế nào.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ nói rằng hiệp ước đồng minh của họ với Nhật Bản bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc. Hiệp ước an ninh giữa Nhật và Mỹ tuyên bố rằng “Lực lượng mặt đất, trên trời và trên biển của Mỹ...có thể được sử dụng để đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông và cho an ninh của Nhật Bản trước các cuộc tấn công vũ trang”. Nhưng hiệp ước đồng minh Mỹ - Philippines hay các tuyên bố ngoại giao của Washington không khẳng định sự bảo đảm tương tự như vậy cho Philippines.

Khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Philippines nếu nước này xung đột với Trung Quốc trên biển Đông hay không, ông Obama năm 2014 cảnh báo về sự điên rồ khi đi đến chiến tranh vì “những tảng đá”. Hai năm trước đó, Washington từ chối can thiệp quân sự khi Philipines và Trung Quốc đối đầu nhau nhiều tháng trời ở bãi cạn Scarborough.

Ở Manila có những hoài nghi rằng MDT có từ thời Chiến tranh Lạnh này có còn phù hợp với các thực tế địa chính trị hiện tại.

“Khi hiệp ước được đàm phán, Chiến tranh Lạnh đang diễn ra, nhưng liệu chúng ta ngày nay có còn Chiến tranh Lạnh? Nó có còn phù hợp với an ninh của chúng ta nữa không? Có thể không”, ông Lorenzana nói tại một cuộc họp báo cuối tháng 12 vừa qua. Ông thậm chí còn nêu ra khả năng hủy bỏ hoàn toàn hiệp ước nếu nó không còn cần thiết nữa.

Giới quan sát cho rằng bình luận của ông Lorenzana có vẻ lạ, bởi ông này cho đến nay vẫn cương quyết chống lại áp lực của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc giảm quan hệ quốc phòng lâu năm với Washington.

Trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review, nhà phân tích Richard Heydarian, chuyên gia phân tích địa chính trị Philippines, cho rằng hành động của ông Lorenzana khá “tinh tế”. Không phải ông đang tìm cách phá bỏ quan hệ đồng minh với Mỹ, mà là muốn tạo ra cơ hội buộc những nhân vật thân Trung Quốc phải ra mặt và ép họ tuyên bố rõ ràng rằng họ đang muốn một thỏa thuận an ninh kiểu gì và cách đó sẽ bảo vệ những lợi ích sống còn của Philippines như thế nào, đặc biệt trên biển Đông. Nếu nhóm quan chức này không dám nói thẳng ra rằng họ tin tưởng Trung Quốc hơn Mỹ, thì lập luận của họ sẽ yếu đi và dẫn đến việc quan hệ truyền thống Philippines - Mỹ sẽ được củng cố.

Bên cạnh đó, chiến lược của ông Lorenzana có thể gây sức ép để khiến Washington phải nâng cấp hiệp định song phương mơ hồ. Theo ông Heydarian, ông Lorenzana có thể chịu rủi ro vì cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều khó đoán. Nhưng điều đó đáng thử, vì thỏa thuận hiện tại với Washington rất cần được xốc lại để phản ánh đúng thực tế địa chính trị của thế kỷ 21, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cần thiết phải có sự tham gia về kinh tế của Mỹ nhiều hơn vào khu vực. 

MỚI - NÓNG