Nguồn lực yếu
Theo ông Hùng, trong số 12 ca nói trên có 4 ca ở huyện Krông Nô đã phục hồi sức khỏe. Những ca còn lại ở xã Quảng Hòa (4 ca) và xã Đắk R’măng (3 ca, đều ở huyện Đắk Glong). “Hiện nay có khoảng 700 khẩu được điều trị cách ly dự phòng 7 ngày theo quy định ở 2 xã thuộc huyện Đắk Glong. Còn ở huyện Krông Nô, 435 khẩu đã hoàn thành việc cách ly điều trị. Ngoài điều trị dự phòng, ngành y tế còn phun hóa chất khử trùng tại các khu dân cư, khu vực công cộng tại các ổ dịch” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ ngày 20/6, tiếp nhận 14 người (trong đó có 13 trẻ và 1 người lớn) đến từ 3 ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông, gồm: 2 ổ dịch ở huyện Đắk Glong và 1 ổ dịch (huyện Krông Nô). Trong đó, có 2 ca mắc bệnh bạch hầu ác tính viêm cơ tim cấp tính rất nặng là em N.V.T (9 tuổi) và ông G.A.P (65 tuổi). Các trường hợp còn lại đang được lấy mẫu xét nghiệm theo dõi tại 1 khu cách ly riêng biệt để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, qua khám sàng lọc tại cộng đồng vào ngày 19/6/2020, em N.V.T xuất hiện viêm amidan cấp có giả mạc hầu họng, trắng đục ít và được điều trị cách ly tạm thời tại Trạm Y tế xã Quảng Hòa. Bệnh nhân T sống gần nhà, có tiếp xúc gần và thường xuyên qua nhà bệnh nhân S.T.H (9 tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu và đã tử vong vào ngày 20/6/2020, với chẩn đoán bị “bạch hầu ác tính biến chứng tim”. Trước khi phát bệnh một tuần, T đi học bình thường và tiếp xúc với 32 học sinh, lớp 1C, trường Tiểu học B.V.Đ, xã Quảng Hòa (trong đó có 29 em trú tại xã Quảng Hòa; 3 em ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô).
Ngành Y tế Đắk Nông đã điều tra đánh giá, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, đồng thời lấy 104 mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm. Hiện, vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh. Nhiều tuần trước đó, Đắk Nông còn ghi nhận 4 ca mắc bệnh bạch hầu đều đang theo học tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn (tại Thôn Đức Lập, xã Đăk Sor, huyện Krông Nô), gồm: Ng.T.L.A (SN 2008); L.T.A.V (SN 2005); Q.H.B (SN 2011) và một ca lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Nói về việc để dịch bệnh bạch hầu bùng phát, ông Hà Văn Hùng nói: “Có những trường hợp chúng tôi mang vắc-xin đến nơi, nhưng họ (người dân tộc thiểu số - PV) không đưa con đến tiêm. Ở đây cũng có 1 phần trách nhiệm của anh em Y tế. Do nguồn lực của mình tới đó, nên không làm đạt được tới đích. Nếu có nguồn lực sẽ làm tốt hơn nữa”, ông Hùng cho biết.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Đắk Nông, đã chuyển 10.000 liều vắc-xin Td (vắc-xin uốn ván - bạch hầu) và cử cán bộ đến địa phương cùng chống dịch. “Qua kiểm tra thực tế, cụm dân cư nơi dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở xã Quảng Hòa có tỷ lệ tiêm chủng cực thấp. Như trường hợp bé gái tử vong vừa rồi, chỉ tiêm chủng đúng 1 mũi vắc-xin 5 trong 1 vào năm 2011”, ông Chiến nói.
Nói về biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch lâu dài, theo ông Chiến, cần tăng cường công tác tiêm chủng, đặc biệt đối với đồng bào vùng khó khăn; Kết hợp tiêm vắc-xin Td bổ sung cho lứa tuổi lớn của chương trình tiêm chủng quốc gia. Cần quan tâm đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa về lâm sàng bệnh bạch hầu để phát hiện điều trị kịp thời, tránh tử vong.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Ngày 23/6, ông Ðặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đã chỉ đạo y tế tỉnh Ðắk Nông xác định đối tượng và độ tuổi để tiêm phòng vắc-xin ngừa bạch hầu cho người dân nơi đây. Hiện nay Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đang phối hợp với y tế địa phương ngăn chặn dịch bệnh và điều trị cho các bệnh nhân. Do tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của y tế địa phương và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nên hiện Cục Y tế dự phòng chưa cần can thiệp. Dự kiến, tuần tới có thể Cục sẽ cử cán bộ vào hỗ trợ nếu diễn biến dịch theo chiều hướng xấu đi.
Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Các triệu chứng chính của bệnh là: Ớn lạnh, chảy nước dãi, ho nhiều, sưng các tuyến ở cổ, khó thở, khó nuốt… cùng với việc cảnh giác phòng bệnh thì khi có các triệu chứng, người dân cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị.