Như đã đưa tin, ngày 20/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với: Trương Thanh Tùng (1969, trú phương Khuê Trung, quận Cẩm Lệ); Nguyễn Song Hùng (1974, trú K46 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê); Tán Đăng Khánh (1981, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và Ngô Thị Thương (1978, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến công tác đền bù giải tỏa tại dự án Tây Nam Suối Đá (bán đảo Sơn Trà).
Cả 4 bị can đều công tác Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dụng số 2 thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Trương Thanh Tùng là Phó phòng giải tỏa đền bù, 3 đối tượng còn lại là nhân viên kỹ thuật, áp giá đền bù và nhân viên kinh doanh.
Trương Thanh Tùng, Phó phòng giải tỏa đền bù tại cơ quan công an. Ảnh : LS
Năm 2011, tại khu vực dự án Tây Nam Suối Đá có 3 hồ sơ giải tỏa với tổng diện tích là 7ha, giao cho Ban này thực hiện kiểm định cây cối, hoa màu, vật kiến trúc. Các bộ hồ sơ gồm: Hợp đồng giao khoán của ông Nguyễn Thế Thắng và bà Trần Thị Việt Hà đứng tên (Hồ sơ 22) với diện tích 2,5 ha; hồ sơ của ông Nguyễn Thế Thắng, bà Trần Thị Việt Hà và bà Trần Thị Hãng đứng tên (hồ sơ 23) với diện tích 2,5 ha và hồ sơ của ông Trần Đình Trung đứng tên (hồ sơ 24) với diện tích 2 ha.
Tổ kiểm định những hồ sơ này gồm ông Tùng, ông Hùng, ông Khánh và bà Thương được Ban này giao thẩm định hồ sơ. Đại diện người tham gia kiểm định cả 3 hồ sơ là ông Trần Đình Trung.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, khi được giao nhiệm vụ quá trình kiểm định, tổ kiểm định không đi thực tế, mà chỉ nghe chủ hồ sơ giải tỏa khai miệng về cây cối, hoa màu, vật kiến trúc sau đó lập hồ sơ kiểm định, nên không đúng với thực tế, dẫn đến số lượng, chất lượng vật kiến trúc bị nâng khống.
Cụ thể, hồ sơ kiểm định thể hiện cả 3 bộ hồ sơ nêu trên đều có 1 bể chứa nước (360m3). Tuy nhiên, trên thực tế, hồ sơ số 22 và 23 không hề có bể chứa nước. Còn hồ sơ số 24 có 1 bể chứa nước, nhưng thể tích chỉ là 293,54m3 và kết cấu bằng xi măng + cát, chứ không phải bằng bê tông cốt thép như hồ sơ kiểm định thể hiện. Từ hồ sơ không đúng thực tế, Ban giải tỏa đền bù số 2 đã áp giá và đền bù cho ông Trần Đình Trung nhận tổng cộng hơn 550 triệu đồng (3 bể chứa nước).
Từ lời khai của các đối tượng, cơ quan điều tra xác định: Tổ Kiểm định đã không thực hiện đúng qui trình, qui định kiểm định, không tổ chức đi thực tế kiểm định đúng số lượng và thành phần. Cụ thể, chỉ có Hùng, Khánh đến hiện trường và khi đến hiện trường không có mặt của chính quyên địa phương để tiến hành kiểm định. Trong khi đó, việc lập biên bản kiếm định đối với 3 hồ sơ giải tỏa không được lập tại hiện trường mà lập tại Trạm Kiểm lâm Suối Đá. Làm việc với cơ quan điều tra, 4 cán bộ của tổ kiểm định đã thừa nhận hành vi không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đồng thời tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả đã gây ra với tổng số tiền hơn 371 triệu đồng..
Riêng ông Trần Đình Trung cũng khai, 3 thửa đất được giao khoán là do ông trực tiếp sử dụng để phát triển kinh tể rừng. Ông Trung thừa nhân mặc dù biết được Biên bản kiểm định đối với 3 hồ sơ giải tỏa là không đúng, nhưng vì có lợi ích cho ông và người nhà nên đã ký vào các biên bản kiểm định cây cối, hoa màu có liên quan. Ông Trung cam kết và đã nộp vào ngân sách số tiền 70 triệu đồng để khắc phục.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định 4 cán bộ của Ban đền bù giải tỏa phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự. Căn cứ Điều 34, Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, từ đó xác định rõ mức độ hành vi phạm tội của từng đối tượng.