Vi phạm hình sự hay lỗi tác nghiệp?

Vi phạm hình sự hay lỗi tác nghiệp?
TP - Hôm qua, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ TPHCM) bị truy tố về hành vi đưa hối lộ. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.

> Nhà báo Hoàng Khương: 'Chỉ biết dấn thân vào dòng sự kiện'

Hoàng Khương (hàng đầu, bên trái) khẳng định anh chỉ tác nghiệp theo đúng Luật báo chí
Hoàng Khương (hàng đầu, bên trái) khẳng định anh chỉ tác nghiệp theo đúng Luật báo chí.

“Hoàng Khương vẫn là nhà báo”

Phiên tòa có khá đông giới truyền thông tham dự. Lực lượng cảnh sát bảo vệ tư pháp làm việc khá nghiêm ngặt. Nhiều nhà báo trình thẻ vẫn không được vào, phía cảnh sát yêu cầu phải có tên trong danh sách đăng ký trước. Hoàng Khương (tức Nguyễn Văn Khương, SN 1973) khá gầy so với lúc mới bị bắt giữ.

Trước khi vào phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tạm hoãn tòa 19 phút để hội ý vì ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ cho Hoàng Khương.

Luật sư Hoài đề nghị HĐXX lưu ý tư cách nhà báo của Hoàng Khương vì anh vẫn đang công tác tại báo Tuổi Trẻ và vẫn chưa bị rút thẻ nhà báo. Luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập Ban biên tập (BBT) báo Tuổi Trẻ.

Chủ tọa đã có ý kiến chính thức, không triệu tập BBT báo Tuổi Trẻ vì không có tư cách tố tụng trong vụ án này, tuy nhiên luật sư có quyền trình bày quan điểm của báo Tuổi trẻ.

Về thẻ nhà báo của Hoàng Khương, HĐXX cho biết, cơ quan điều tra có đề nghị rút thẻ nhưng cơ quan chức năng không thực hiện và Luật TTHS không quy định về vấn đề này, nên phiên tòa vẫn tiếp tục.

Khởi tố, bắt giam

Theo hồ sơ vụ án, tháng 7-2011, nhà báo Hoàng Khương cùng một số đồng nghiệp tại báo Tuổi Trẻ được phân công thực hiện tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông”.

Trong quá trình tác nghiệp, Hoàng Khương phát hiện đường dây tiêu cực trong giải quyết xe vi phạm giao thông. Từ các tư liệu thu thập được, Hoàng Khương viết 2 bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.

Sau khi báo đăng, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam CSGT Huỳnh Minh Đức (bị can trong vụ án) vì nhận tiền hối lộ của 2 chủ xe vi phạm để trả xe không đúng quy định, tổng cộng 18 triệu đồng.

Sau đó, cơ quan điều tra cũng bắt giam Hoàng Khương vì cho rằng nhà báo này có liên quan.

Viện KSND TPHCM ra cáo trạng, nhận định việc làm của nhà báo Hoàng Khương là “vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí đơn thuần”, phạm vào tội đưa hối lộ.

“15 triệu đồng là tiền đóng phạt”

Khai với tòa, Tôn Thất Hòa (SN 1955, nguyên Giám đốc DN Duy Nguyên, bị truy tố tội môi giới hối lộ) nói, đã dọa ông Đức để trả giấy tờ xe cho Trần Minh Hòa (bị can vụ án, có xe đua bị bắt giữ) và nói “đại” là không trả giấy tờ thì Khương đăng bài thứ hai.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Hoàng Khương nói, anh được phân công làm tuyến bài về giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông. Anh lên kế hoạch phân tích nguyên nhân của tai nạn giao thông là do CSGT xử lý sai phạm không đúng quy định. Anh gọi Thất Hòa chỉ để hỏi có biết vụ TNGT nào không để anh tìm hiểu. Theo anh, hành động này chỉ với mục đích để tác nghiệp cho đề tài được giao.

Về phía Hoàng Khương, anh khai chỉ tác nghiệp đơn thuần, không có động cơ cá nhân, anh thực hiện loạt bài theo chủ trương của BBT. Số tiền 15 triệu đồng không phải tiền lo lót để lấy xe ra.

Anh quen Thất Hòa trong vụ tai nạn giao thông ngày 23-6-2011 (vụ va chạm xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn và một xe du lịch - PV).

Hoàng Khương đã đưa biên bản vi phạm của Minh Hòa cho Thất Hòa, sau đó Thất Hòa đưa cho Đức. Hoàng Khương nhờ người về nhà lấy tiền và đưa cho Thất Hòa để đưa cho Đức. Tại bàn nhậu, Đức hứa sẽ trả xe sớm.

“Bị cáo đã đánh giá sai động cơ của hành động. Bị cáo khẳng định đây chỉ là tác nghiệp báo chí nhằm tìm ra chính xác sự việc hành vi của Đức. 15 triệu đồng không phải lo lót mà là đóng phạt. Bị cáo có đến quán cà phê và quán nhậu nhưng chính Tôn Thất Hòa là người đặt vấn đề cứu xe” - Hoàng Khương nói.

Tập trung làm rõ quy trình tác nghiệp

Phần lớn phiên xét xử hôm qua, HĐXX cũng như công tố viên tập trung hỏi Hoàng Khương về quy trình tác nghiệp để làm rõ vụ việc. Hoàng Khương khẳng định, anh không gọi cho ông Đức xưng mình là nhà báo.

Tòa hỏi, tại sao ngày 10-7 mới có bài 2, trong khi ngày 3-7 đăng bài 1. Hoàng Khương nói, vì sau khi đăng bài 1, chờ phản hồi của dư luận, nên tòa soạn chưa đăng bài 2 ngay, còn anh đã nộp bài 2 ngay sau khi đăng bài 1.

“Tuy nhiên, bài 2 có chi tiết sơ suất là bị cáo đã can thiệp quá sâu vào việc đưa tiền và nhận tiền” - Hoàng Khương khai.

Công tố viên truy tiếp: “Bị cáo là một nhà báo có bề dày kinh nghiệm, bị cáo phải biết là việc can thiệp của mình là vi phạm pháp luật. Bị cáo không chỉ chứng kiến mà trực tiếp tham gia”.

Khương nói, anh không tham dự thì không thể có được những bằng chứng về hành vi sai phạm của CSGT Huỳnh Minh Đức.

Bên công tố hỏi: “Bị cáo khai nhờ Thất Hòa giúp tác nghiệp nhưng Thất Hòa khai không tham gia vào việc tác nghiệp và ghi âm giùm bị cáo”.

Khương trả lời, Luật Báo chí không quy định phạm vi tác nghiệp của nhà báo nên bị cáo không tránh khỏi những tình huống khó khăn, chỉ biết dấn thân vào dòng sự kiện, không lường hết hậu quả của hành động trên mang lại...

Phiên tòa tạm dừng vào cuối giờ chiều. Sáng nay, phiên xử sẽ tiếp tục phần xét hỏi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.