Vi phạm của các tàu Trung Quốc là nghiêm trọng

TPO - "Vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói tại Quốc hội sáng 21/10.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên, chất lượng một số tuyến đường chưa đảm bảo, một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai tổ chức thi công. Điển hình như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

 Vi phạm của các tàu Trung Quốc là nghiêm trọng ảnh 1 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Như Ý

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, các dự án hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là dự án BOT, BT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa được giải quyết một cách triệt để. Tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, thay đổi phương thức quản lý phương tiện giao thông trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, triển khai thu phí tự động không dừng… còn chậm.

Về giáo dục, theo ông Thanh, ngành giáo dục và đào tạo đang tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đã tổ chức tốt hơn Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019; nhiều trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, còn một số vấn đề về giáo dục mà người dân quan tâm, đòi hỏi ngành giáo dục và chính quyền địa phương phải rà soát và tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và nhanh chóng khắc phục các vấn đề về bạo lực học đường, việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, đào tạo văn bằng 2, việc bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, thiếu giáo viên các trường mầm non,  mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng lao động...

 Liên quan đến hình Biển Đông, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng, nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được thực thi, thể hiện lập trường, quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Trước tình hình thực tế trên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền; chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, an ninh nông thôn, các vùng nhạy cảm.

Đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh từ cơ sở, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

MỚI - NÓNG