Vị đắng ngôi vị số một xuất khẩu gạo

Vị đắng ngôi vị số một xuất khẩu gạo
Nửa cuối năm 2012, hai mặt hàng nông sản của Việt Nam là cà phê, gạo đã lần lượt vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu. Tuy nhiên, để sự hiện diện này thể hiện đúng tầm vóc cả về chất và lượng, còn nhiều việc phải làm.
Vị đắng ngôi vị số một xuất khẩu gạo ảnh 1

Trong năm 2012, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chứng kiến sự đăng quang ngoạn mục của hai "vua" trên thị trường thế giới.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong sáu tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn Brazil đến 13% (14,325 triệu bao/60kg so với 12,606 triệu bao), khiến Việt Nam đoạt ngôi vị nước xuất khẩu cà phê số một thế giới - vốn nằm trong tay Brazil từ trước đến nay.

Cũng từ đầu tháng 10, Việt Nam đã vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu gạo, tiếp theo là Ấn Độ với 5,8 triệu tấn và Thái Lan 5,3 triệu tấn... Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất được gần 6,5 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,9 tỷ USD. Đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Theo kế hoạch, hai tháng cuối năm, cả nước sẽ xuất tiếp khoảng 1,05 triệu tấn. Như vậy, dự kiến cả năm đạt 7,5 triệu tấn, thậm chí 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp khủng hoảng, sự vươn lên ngoạn mục để soán ngôi vương về xuất khẩu trên thị trường thế giới của cà phê và gạo Việt Nam thực sự là một tín hiệu đáng vui mừng.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra khi đi sâu phân tích ngọn ngành sự bứt phá này.

Trước hết, nói về cà phê, sự vươn lên của mặt hàng này được giới chuyên gia đánh giá là một phép màu của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Ngành cà phê đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 3% GDP, cung cấp sinh kế cho hơn hai triệu rưỡi người. Song, điều đáng lưu ý, dù là "á quân" hay bây giờ là "quán quân" về xuất khẩu trên thế giới, nhưng cà phê Việt Nam hầu như không có tiếng trên thương trường quốc tế, trái với Brazil hay những nước xuất khẩu ít hơn như Colombia, Ethiopia, hay thậm chí Kenya, do cà phê Việt Nam chủ yếu được dùng để chế biến các loại cà phê hòa tan giá rẻ.

Chính vì vậy, ngoài cà phê robusta, giới sản xuất trong nước hiện đang tìm cách tăng thêm phần arabica, hương vị thơm hơn và được quốc tế ưa chuộng hơn. Nếu như năm 2009, Việt Nam mới xuất khẩu 24.000 tấn cà phê arabica thì trong năm 2011, loại cà phê xuất khẩu này đã đạt mức 50.000 tấn.

Tương tự, trong 3 năm trở lại đây, lúa gạo Việt Nam liên tục bứt phá để phá vỡ những kỷ lục mới trong xuất khẩu. Cụ thể, năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn/năm, tăng gần 1,4 triệu tấn so với năm 2008. Sang năm 2010, gạo xuất khẩu Việt Nam chiếm đến 21,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với 6,75 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Còn kết thúc năm năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 7,105 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3,651 tỷ USD. Trong năm 2012, nếu xuất khẩu gạo có thể đạt 7,7 triệu tấn thì đây sẽ là dấu ấn tiếp theo của ngành lúa gạo Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới và cũng mở ra cơ hội lớn để Việt Nam trở thành trung tâm gạo của toàn cầu.

Hiện sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã đạt đỉnh, và để có thể duy trì vị thế xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới, chúng ta cần nâng cao chất lượng hạt gạo thay vì tập trung tăng khối lượng xuất khẩu.

Đó là chưa kể, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo 25% tấm (tức loại phẩm cấp thấp), gạo 5% tấm hiện vẫn chưa sánh được với gạo Thái, trong khi gạo phẩm cấp thấp thì mất dần thị trường bị cạnh tranh bởi gạo Ấn Độ và Myanmar.

Điều này xuất phát từ chuyện: lâu nay nhu cầu gạo phẩm cấp thấp trong những năm vừa qua rất lớn, cho nên Việt Nam đã phát triển những giống lúa chất lượng thấp nhưng đạt năng suất cao. Nhưng năm 2012, nhu cầu gạo phẩm cấp thấp sẽ giảm, tỉ lệ gạo chất lượng cao sẽ tăng lên. Doanh nghiệp cũng như nông dân nước ta cần bám sát theo những tín hiệu của thị trường, để chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, chiến lược của ngành hàng lúa gạo không nên tiếp tục đi theo hướng tăng khối lượng gạo xuất khẩu. Những năm tới, cần tập trung vào tăng chất lượng để nâng cao giá bán, đồng thời cơ cấu lại chuỗi tiêu thụ lúa gạo để tăng lợi nhuận cho nông dân. Có như vậy, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo mới bền vững và ổn định lâu dài.

Có một điều khó hiểu nhưng rất thực tế là so với nhiều nước xuất khẩu khác, mặt hàng gạo, cà phê của chúng ta mặc dù hoàn toàn không kém về chất lượng nhưng thường xuyên vắng mặt trong nhiều gian hàng bán lẻ tại nước ngoài, thay vào đó là sự ngập tràn gạo của Ấn Độ và Thái Lan, cà phê Brazil, Colombia... được bao bọc bởi những thương hiệu đình đám và những dịch vụ không thể chê vào đâu được. Quả thực là một điều đáng tiếc cho mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đã mang trên mình vương miện của những ông vua, hẳn những nhà điều hành trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê của Việt Nam phải có một tầm nhìn và chiến lược khác xứng tầm với vị thế của những bậc quân vương. Nghĩa là, chúng ta phải đi từ chuyện thống lĩnh thị trường thế giới từ "lượng" sang đến "chất".

Tất nhiên điều này đòi hỏi cả một ngành công nghiệp dịch vụ rất phát triển đi kèm. Bởi chỉ có phát triển mảng dịch vụ đi kèm với lĩnh vực sản xuất, những sản phẩm nông sản của chúng ta mới có cơ hội góp mặt một cách đàng hoàng, đĩnh đạc trên thị trường toàn cầu, chứ không phải là luôn phải núp bóng những thương hiệu của các đại gia trên thế giới!

Theo Thanh Thời
Vef

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG