Vì dân, gác niềm riêng

Trung tá Phan Thắng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế (phải), cập nhật thông tin để chỉ huy đơn vị tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. ẢNH: PV
Trung tá Phan Thắng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế (phải), cập nhật thông tin để chỉ huy đơn vị tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. ẢNH: PV
TP - Trong lũ dữ, mặc dù nhà cửa, tài sản ở quê nhà đang ngập chìm trong nước, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 vẫn xung phong đến tâm lũ, dũng cảm quên mình xông pha giữa biển nước mênh mông để ứng cứu đồng bào miền Trung.

Phía trước là nhân dân

Đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10, Quảng Bình được coi là rốn lũ, là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn làm nước lên nhanh khiến nhiều huyện bị chia cắt, cô lập. Hàng nghìn ngôi nhà của bà con bị ngập sâu trong nước, hàng chục nghìn hộ dân không kịp trở tay… Nhiều ngày liền không ngủ, thậm chí có ngày bỏ cả cơm, đại úy Hà Minh Giang (Trợ lý phòng không, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân  sự (CHQS) tỉnh Quảng Bình) liên tục lái ca nô vượt biển nước, cùng đồng đội giúp hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Trong khi đó, nhà anh cách khu vực này 50km cũng bị ngập sâu trong nước.  

Đại úy Giang kể rằng, anh đi làm nhiệm vụ, vợ anh ở nhà phải vất vả một mình chống lũ. Cũng nhờ bà con lối xóm đến vận chuyển đồ đạc, gửi con đến nơi an toàn nên anh mới yên tâm phần nào. Vợ anh, chị Cao Trà Thục Phương tâm sự: “Mặc dù gia đình cũng bị thiệt hại do mưa lũ, nhưng vì công việc, nhiệm vụ của chồng, tôi luôn xác định động viên để anh và đồng đội yên tâm công tác. Ở nhà, mẹ con tôi đã có hàng xóm láng giềng và đơn vị bộ đội khác đến giúp đỡ”.

Cũng như đại úy Giang, khi trung tá Trần Hải Bằng (Trợ lý tuyên huấn, Ban CHQS thị xã Quảng Trị) đang cùng đồng đội giúp đồng bào chạy lũ thì nhà anh cũng bị ngập sâu. Cửa hàng buôn bán của vợ anh bị nước lũ cuốn trôi hàng hóa, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trung tá Bằng còn không may bị thương trong quá trình giúp dân. Lũ rút, đồng đội cùng làng xóm mới có điều kiện về giúp gia đình anh khắc phục hậu quả. 

Vì dân, gác niềm riêng ảnh 1

Đại úy Hồ Quốc Việt, phóng viên Báo Quân khu 4 (người cầm máy quay), vào vùng lũ tác nghiệp. ẢNH: PV

Khi đang tác nghiệp tại rốn lũ Quảng Bình, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hồ Quốc Việt (phóng viên Báo Quân khu 4) nhận được tin nhà anh ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị ngập do nước dâng cao. Vợ anh và con gái út bị mắc kẹt do mưa lớn, chưa thể về nhà, may mắn có hàng xóm chạy qua hỗ trợ con gái lớn của anh kê đồ đạc, tài sản lên cao. “Đây là lần thứ hai lũ đến khi anh Việt không có ở nhà. May nhờ có hàng xóm ứng cứu, giúp đỡ kịp thời. Có sự chia sẻ của xóm giềng, những người vợ lính như chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi chồng và đồng đội đi giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai”, chị Dương Thị Hoài Giang, vợ đại úy Việt nói.  

Không ngại hiểm nguy

Không chỉ có trung tá Bằng, đại úy Việt và đại úy Giang, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của Quân khu 4 đều có nhà cửa bị ngập, trong khi ở nhà chỉ có bố mẹ già yếu, vợ và con thơ. Nhưng họ luôn có mặt tại những nơi hiểm nguy nhất cùng nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hơn một tháng qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế phải hứng chịu nhiều cơn bão gây nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng. Suốt thời gian đó, trung tá Phan Thắng (Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế) luôn có mặt ở những nơi ngập lụt, hiểm nguy để chỉ huy đơn vị tìm kiếm cứu nạn và ứng cứu nhân dân. Những ngày đầu khi xảy ra sạt lở khiến nhiều công nhân và đồng đội mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trung tá Thắng được giao nhiệm vụ tiên phong mở đường tiếp cận các khu vực xảy ra sạt lở để chỉ huy bộ đội. Trung tá Thắng trở thành điểm tựa và động lực cho các lực lượng tìm kiếm.

Gần một tháng bám trụ tham gia cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3, từ sáng sớm đến chiều tối, trung tá Thắng luôn ở hiện trường để chỉ huy các lực lượng và nghiên cứu phương án tìm kiếm sao cho hiệu quả. Anh tâm sự: “Nhiều lúc người thân, bạn bè gọi điện, nhắn tin hỏi thăm sao lâu không thấy về thăm nhà. Khi đó tôi chỉ trả lời: Người dân, đồng đội đang gặp nguy hiểm, họ chưa về nhà, sao mình về được. Mình phải đặt vào vị trí của người dân đang có người thân mất tích, họ ngóng trông từng ngày, nhen nhóm tia hy vọng dù là nhỏ nhất để thấy người thân trở về”.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, các đơn vị thuộc Quân khu đã điều động 24.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 500 phương tiện kỹ thuật giúp đỡ nhân dân vùng ngập lụt. Tổ chức vận chuyển 13 tấn lương khô, 8 tấn gạo, 3.000 thùng mỳ tôm cùng 4.000 áo phao tiếp tế cho người dân. Sau lũ Quân khu 4 điều động gần 14.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 421 phương tiện giúp nhân dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh để khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, có hàng nghìn gia đình cán bộ, chiến sĩ bị ngập sâu trong nước, thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa. Trong đó có 2 nhà bị sập, 12 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 105 gia đình bị thiệt hại trên 50 triệu đồng; 34 gia đình bị thiệt hại từ 30 đến 50 triệu đồng… 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.