> Sớm công nhận VPF là thành viên của VFF
Sau cuộc họp BCH VFF tuần trước, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bắn tín hiệu: quan hệ VFF và VPF phải hạ nhiệt, bởi mục tiêu số 1 là tổ chức thành công giải đấu.
Ông Hỷ nêu trách nhiệm của VFF rằng, VPF có trực tiếp xắn tay làm, trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải nhưng nếu có chuyện xảy ra, VFF mới là đơn vị chịu trách nhiệm chính trước nền bóng đá nước nhà.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ nói không sai, và sự ủng hộ cùng thái độ hòa giải của VFF thể hiện bằng việc, VFF đệ đơn xin Tổng cục TDTT chấp thuận cái tên V-Super League mà VPF đã đề xuất trước đó.
Phải nói thẳng, nếu VFF chấp thuận dùng cái tên này, việc chỉnh sửa, thay đổi tên giải đấu sẽ rất thuận lợi.
Điều này đồng nghĩa, VPF đỡ tốn một mớ tiền cho việc thay đổi, chỉnh sửa tên giải. Đơn giản vì bầu Kiên đã trót khẳng định, một khi giải phải đổi tên, VPF chịu toàn bộ trách nhiệm, chi phí tài chính cho sự thay đổi.
Việc VFF chìa bàn tay “cầu hòa” có lẽ đã suôn sẻ, giống như vết thương lâu ngày lành da, một khi không có lời kể công của người đứng đầu VFF.
Ông Hỷ tâm sự, suốt thời gian chuẩn bị, thai nghén cho sự ra đời VPF, VFF đã dồn hết sức lực. Nhân sự hay nhất, tốt nhất của VFF được dồn cho VPF. Thậm chí đến việc kiếm tiền và tiêu tiền, VFF cũng làm thay phần việc của VPF.
Nói như ông Hỷ, việc Eximbank chấp nhận rót tài trợ lên đến 36 tỷ đồng cho V-League mùa này là do công của Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
Thậm chí nhạy cảm hơn, VFF là người đóng tiền cổ phần sớm nhất cho VPF. Và chính khoản tiền hơn 10 tỷ đồng mà VFF chuyển vào tài khoản VPF, nó giống như khoản “cứu đói” khi VPF trong giai đoạn khan tiền.
Cách ông Hỷ diễn giải có lẽ rất thật. Nhưng cái thật ấy chẳng khác như trăm lưỡi dao cứa vào những ông bầu ở VPF. VFF đã làm và giúp VPF rất nhiều việc, vậy VPF hóa ra… chẳng làm gì? Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng là ở chỗ ấy.
Người đứng đầu VFF liệt kê những đóng góp của VFF, nhưng chẳng khác gì “bóc mẽ” VPF. Nói thế không động và chạm vào tự ái mới lạ.
Bây giờ, mối quan hệ của VFF và VPF có cải thiện được không, chẳng ai dám nói trước điều gì. Nhưng hỗ trợ của VFF trong việc nỗ lực đổi tên thành V-Super League đã bất thành, thêm cả phương án coi cầu thủ nước ngoài gốc Việt như cầu thủ nội cũng bị tuýt còi. Chừng ấy việc như thêm dầu vào lửa, bởi sự cởi mở từ VFF chưa đủ để thay đổi tình thế.
Bây giờ, trước những tín hiệu của VFF, VPF cứ nín lặng, không trả lời, nhất là sau khi VPF bị AVG đẩy vào thế bí trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình. Nhưng cái cách VPF đột nhiên lên trang web của mình sở hữu tuyên bố cải chính theo kiểu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ không liên quan gì đến VPF thì rõ ràng là phải có chủ ý.
Nó không đơn thuần là cải chính thông tin, vì chuyện ông Chủ tịch VFF nhận lời tham dự vào cuộc họp của một đơn vị thành viên, đâu có gì to tát đến mức phải “cải chính”? Nói phũ phàng thì ông Chủ tịch VFF đi nữa cũng chỉ là “người dưng”, đâu có liên quan gì đến VPF mà phải trọng thị, cất lời trịch thượng.
VFF ra vẻ muốn làm lành với VPF. Nhưng bát nước đổ đi rồi, làm sao hốt lại cho đầy?
Theo Sài Gòn Giải Phóng