Quyết định dừng V-League được Thường trực VFF, đứng đầu là Chủ tịch Lê Khánh Hải và sau đó là BCH VFF thông qua hồi tháng 8, với lý do diễn biến dich COVID-19 phức tạp.
Tuy nhiên với chính lý do này, bóng đá Việt Nam đang “việt vị” so với các ngành, lĩnh vực khác trong cuộc sống. Trên cả nước, mọi thực thể xã hội đang nỗ lực để trở lại với cuộc sống mới trong điều kiện thích ứng với dịch COVID-19. Tiến độ tiêm chủng vắc xin được đẩy mạnh, đặc biệt tại Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhu cầu trở lại là bắt buộc trong bối cảnh kinh tế đứng trước nguy cơ gãy đổ nếu tiếp tục các biện pháp cũ.
Trong khi đó thì bóng đá phải dừng lại hoàn toàn, ngoại trừ đội tuyển Việt Nam đang tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022. Việc không được tập luyện, thi đấu thường xuyên ở cấp CLB khiến các cầu thủ khi lên tuyển cũng gặp khó khăn để duy trì phong độ, cảm giác bóng.
Gánh nặng tài chính khi dừng V-League được chuyển sang vai cả nghìn cầu thủ, người lao động. |
Quyết định dừng giải của VFF được đưa ra sau khi 1 số ít đội bóng ở V-League, chủ yếu các đội cuối bảng, phản ứng gay gắt kế hoạch thi đấu của VPF. Đó là Hải Phòng của tân chủ tịch Văn Trần Hoàn, hay SLNA, Sài Gòn FC, Hà Nội, đội đang thi đấu không thành công ở hạng Nhất như Quảng Nam. Lý lẽ các đội bóng này đưa ra cũng không có gì bất ngờ, là tình hình kinh tế khó khăn và dịch COVID-19.
Trên thực tế, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới toàn xã hội, mọi ngành nghề chứ không riêng bóng đá. Hãy lấy giáo dục làm ví dụ. Quyết định để học sinh học online vấp phải phản ứng tại nhiều nơi bởi 1 loạt bất cấp được chỉ ra: nhiều học sinh nghèo không có máy móc, internet; việc học online không hiệu quả, hoặc sau dịch thì máy móc dư thừa bỏ đi đâu?...Trong khi đó các địa phương có dịch cũng không thể để học sinh tới trường. Việc học vẫn được tiến hành và các trường hợp khó khăn có thể tìm sự hỗ trợ, phương án giải quyết.
Rõ ràng là trong bối cảnh hiện tại, không thể đưa ra một lựa chọn hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu của tất cả. Chỉ có phương án ít xấu nhất, hướng tới lợi ích chung.
Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Văn Trần Hoàn lớn tiếng cho rằng việc VPF không cho giải dừng là vô cảm trước cảnh khó khăn của các CLB. Điều này thật kỳ lạ bởi Hải Phòng là đội được hưởng ngân sách địa phương nhiều nhất, mỗi năm 40 tỉ đồng và năm qua lên tới 50 tỉ đồng. Và đội bóng của ông Hoàn, theo phản ánh từ tháng 8/2021 đã cắt giảm lương cầu thủ tới 70%. Nhiều CLB khác cắt giảm tiền của cầu thủ. Gánh nặng tài chính được chuyển sang vai người lao động nghèo.
CLB bóng đá Hải Phòng nhận 50 tỉ đồng từ tiền ngân sách để làm bóng đá nên đá hay không cũng không ảnh hưởng tới nguồn thu? |
Đã có 1 số người được hưởng lợi từ quyết định dừng giải của VFF. Tuy nhiên cả nghìn cầu thủ mất việc, hệ thống thi đấu quốc gia bị ngưng trệ. VFF đã bỏ qua những đề xuất ban đầu của những đội như HAGL, Viettel, Thanh Hoá…vốn khả dĩ có thể duy trì được giải đấu, chỉ để phục vụ lợi ích nhóm các đội cuối bảng vốn không có động lực.
Quyết định được đưa ra chưa đầy 1 tháng nhưng đã sớm cho thấy sự lạc hậu với thời cuộc, thiếu dũng khí của người cầm trịch cuộc chơi.