Hồi ức xứ trầm
Sau đợt mưa lũ kéo dài, những tia nắng ngày đầu tháng 10 vàng như mật chiếu xuống con đường nhựa phẳng lỳ tôn lên nét đẹp bình yên ở ngôi làng trầm hương xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê.
Xa xa, những tiếng đục gỗ, mài gọt lách cách phát ra từ bàn tay của những nghệ nhân vẫn đều đặn vang lên. Hương của trầm ngậy mùi trong gió. Khối gỗ tròn xoe qua bàn tay của nghệ nhân đã trở thành những kiệt tác trầm độc đáo, đẹp mắt.
Nhiều người nói rằng, trầm hương là tinh hoa của đất trời mở lòng ban tặng cho mảnh đất này. Thứ hương thơm đó được kết tinh từ nắng nơi “chảo lửa”, cái lạnh của những cơn gió bấc và hạt phù sa mỗi trận lũ đi qua.
Những sản phẩm trầm được chế tác từ dó trầm có giá trị cao |
Từng yêu trầm, gắn bó với trầm, nhưng 10 năm nay, cụ Đinh Công Ánh (96 tuổi, trú thôn 1, xã Phúc Trạch) phải “giải nghệ”, nhường chân cho lớp trẻ, nhưng cụ vẫn được xem như là “cây đa, cây đề”, là hồn cốt chứng kiến bao thăng trầm của một làng nghề đi lên từ nghèo khó.
“Vì mắt mờ, tay run nên xoi trầm, đục trầm khó. Giờ nghỉ ngơi, dành sân cho bọn trẻ. Điều tuyệt vời nhất là trầm từ ngày xưa đến nay đều mang giá trị riêng, không bị hoà lẫn vào những sản phẩm khác”, cụ Ánh cười nói. Là một trong những người đầu tiên đưa nghề đục trầm về với mảnh đất Phúc Trạch, cụ Ánh tự hào, xen lẫn hạnh phúc khi mỗi lần nhắc đến.
Trong ký ức, cụ Ánh nhớ lại, những năm 1980, xã còn nghèo, ruộng đồng khô cằn vì thiếu nước, bưởi Phúc Trạch lúc này đang trở thành thứ quả đặc sản nổi tiếng, song không phải nhà nào cũng trồng được. Xen kẽ sau những ngôi nhà tranh lợp từ cọ, là dãy cây dó bầu hàng trăm tuổi sừng sững vươn lên tốt tươi, toả bóng mát che chở cho bao thế hệ. Từ những gốc dó bầu vốn chỉ làm củi, chặt bỏ để làm nhà, khi thấy những người thợ ở Huế bắt đầu về khu vực này để săn lùng, tìm mua dó bầu với giá cũng khá cao, người đàn ông mới nghĩ đến giá trị của nó. Thay vì chặt cây dó bầu để bán như người làng, cụ Ánh học cách lấy trầm ra sao, cây dó nào sẽ có trầm, bán hàng ở đâu. Từ ý nghĩ đó, hai vợ chồng cụ bắt đầu mang rựa vào rừng để bắt đầu săn tìm.
Với chiếc đục, gạn trên tay, cụ Ánh tìm trầm, tạo nên những sản phẩm riêng. Mỗi ngày trôi qua, danh tiếng xưởng trầm hương Đinh Công Ánh dần vang xa. Khi có kinh nghiệm, cụ Ánh bắt đầu thuê người trong xóm đến làm công, đẽo trầm, còn bản thân lại tiếp tục đi săn trầm. Thậm chí tìm đến nhà dân từng xẻ trầm làm cột nhà để đặt mua. Những sản phẩm trầm khi hoàn thành, cụ gói gém cẩn thận, đưa vào Nam, ra Bắc để bán. Có những khối trầm đặc, đạt chất lượng, cụ mang đi bán đổi lấy cả cây vàng về quê.
Từ đó, người dân bắt đầu phá bỏ vườn tược để trồng dó bầu, cho đến nay, tấc đất vùng này được xem như tấc vàng. Những khoảng đất bỏ hoang nay phủ xanh bạt ngàn bởi cây dó bầu. Cụ Ánh chia sẻ, trầm hương là một vật phẩm quý hiếm, được mệnh danh là vua của các mùi hương từ bao đời nay. Trầm cũng được ví như “tinh hoa của trời đất”, được kết tinh từ trong đau thương của cây dó tạo thành.
Tỷ phú nhờ trầm
Đôi bàn tay nhăn nheo, vuốt ve những gốc dó bầu trước hiên nhà, cụ Ánh nói, những gốc này để có trầm phải trên 10 năm tuổi. Nếu như trước đây, trầm thuận theo tự nhiên, thì nay nhiều người tạo trầm bằng việc đục lỗ trên thân cây.
Cụ Đinh Công Ánh, người tiên phong đưa nghề chế tác trầm về với xã Phúc Trạch |
“Giờ người dân đục lỗ tạo trầm trên cây, nhưng cũng cần phải có kỹ năng. Bởi không ít người làm không đúng kỹ thuật khiến cây bị chết. Trồng dó bầu dễ, nhưng để có trầm, làm ra được sản phẩm trầm rất khó”, cụ Ánh chia sẻ.
Để trầm đạt chất lượng, tạo ra mùi hương thơm ngọt, cụ Ánh tâm sự, điều quan trọng vẫn là cách đục, gạn để lấy trầm. Để làm được việc này, người lấy trầm phải có kinh nghiệm, ngoài ra cần có đôi mắt tinh anh, bàn tay khéo léo gạn gỗ chọn lõi trầm. “Giờ tôi nghỉ làm rồi, hai người con nối nghiệp, vẫn mong thương hiệu trầm Phúc Trạch sẽ vươn ra thế giới, cụ Ánh trải lòng.
Mặt trời đứng bóng, trên các con đường ở Phúc Trạch, người dân nhộn nhịp đưa hương trầm, bột hương ra để phơi khô. Từ trong những ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng dó bầu văng vẳng tiếng đục đẽo làm trầm, máy tiện làm vòng, đồ mỹ nghệ.
Với những người như cụ Ánh, tiên phong đưa nghề đục trầm, trồng dó bầu về làng thì người trẻ ở mảnh đất này cũng đang xây dựng thương hiệu khởi nghiệp theo cách riêng. Họ cùng chung ước mơ đưa trầm hương vươn xa, vượt luỹ tre làng.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1992), cô gái được nhiều người mệnh danh là “nữ hoàng nhang khói”, là tấm gương doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tiêu biểu của vùng đất Hương Khê. Chị Trang chia sẻ, trầm là cây để làm giàu chứ không phải là cây để xóa đói giảm nghèo.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, khi tìm hiểu về trầm, chị thấy trầm rất quý. Tiềm năng của loại cây này không chỉ nằm ở phạm vi thị trường trong nước mà còn có thể vươn xa ra quốc tế. Vì thế chị đã dần gây dựng thương hiệu Trầm hương Tâm Thiên Hương. Đến thời điểm hiện tại, đây là thương hiệu trầm hương duy nhất trên địa bàn Hà Tĩnh đạt chuẩn OCOP 4 sao.
4 năm góp mặt trên thị trường, chị Trang đã đưa sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương đang đến với người tiêu dùng thông qua kênh bán tại cửa hàng ngay ở địa phương, các kênh phân phối trên cả nước; bán online qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; bán qua kênh cộng tác viên. Doanh thu mỗi năm của công ty riêng mảng trầm hương đạt khoảng gần 2 tỷ đồng.
“Thông tin từ UBND xã Phúc Trạch, thu nhập từ cây dó bầu của xã năm 2023 đạt 95 tỷ đồng. Cây dó bầu được xác định là loại cây làm giàu cho người dân ở miền sơn cước này. Toàn xã hiện có 350ha, nhờ trồng dó bầu, nhiều cơ sở chế tác trầm được thành lập, người dân đã đổi đời, xây được nhà, tậu ô tô…”.
Dãy Trường Sơn heo hút, núi cao thăm thẳm nhưng có nhiều cây dó bầu trăm năm, nghìn năm giữa rừng. Vài nắm cơm đùm vào rừng, hết ngày này đến tháng khác, vợ chồng cụ Ánh mang nhiều cây dó bầu về nhà, nhưng không phân biệt đâu là trầm. Khi được người thợ ở Huế tốt bụng tiết lộ cách đục dó tìm trầm, cụ mới hiểu trầm hình thành từ những vết thương trên thân cây. Đó là những thân cây bị thương do bom đạn, gãy đổ do bão, hay bị sâu đục thân.