Khoe những sản phẩm là các bức tranh vẽ tay của thành viên nhóm Đêm Trắng, Đặng Văn Quốc Lộc (sinh viên năm cuối trường ĐH Kiến trúc TPHCM), trưởng nhóm cho biết, đây là năm thứ 4 nhóm bán hàng tại chợ hoa tết ở công viên 23/9. “Đây là những bức tranh vẽ tết cổ truyền của Việt Nam. Ở đó thể hiện những phong tục của dân tộc ta như gói bánh chưng, múa lân, các trò chơi ngày xuân, chợ hoa tết… Tụi em đều vẽ tay và bán mỗi khi tết đến xuân về” – Lộc chia sẻ.
Không chỉ bán tranh tết, nhóm Đêm Trắng còn bán nhiều sản phẩm xinh xắn, dễ thương khác như các chậu cây cảnh nhỏ để bàn như sen đá, xương rồng; bao lì xì viết thư pháp; sản phẩm gốm Bàu Trúc… tất cả đều có giá từ 100.000-300.000 đồng/sản phẩm.
Không chỉ làm kiếm thêm chút tiền tết mà mục đích của nhóm là muốn giới thiệu những sản phẩm mới lạ đến du khách. Bên cạnh đó, khi bán hàng, các bạn sinh viên được tiếp xúc với nhiều người, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, nắm bắt được nhu cầu khách hàng để chuẩn bị cho sau này khi ra trường – Lộc bộc bạch.
Tại phố ông đồ Nhà văn hóa Thanh Niên, gian hàng của các “ông bà đồ trẻ” luôn thu hút khách. “Bà đồ” trẻ Phạm Thị Thủy Tiên (30 tuổi, quê Đồng Nai) nắn nót trang trí hình chú chuột ngộ nghĩnh cùng lời chúc lên phong bao lì xì theo yêu cầu của khách. Tiên đã có thâm niên 4 năm trong nghề “ông đồ” chia sẻ: “Mỗi năm mà không đến phố ông đồ cho chữ dịp tết em lại thấy nhớ vô cùng. Với em, bên cạnh có thu nhập từ việc bán chữ, em còn cảm thấy vui vì góp phần giữ nét đẹp truyền thống ngày tết, khách cũng vui vì có món quà như ý tặng nhau dịp tết”.
Chia sẻ về việc năm nào cũng về quê đón tết muộn, Thảo (27 tuôi, cô chủ trẻ của shop JoyHouse chuyên về phụ kiện handmade bộc bạch: “Nhìn các bạn trẻ về quê đón tết, em cũng nôn lắm. Nhưng vì công việc, em nán lại thêm vài ngày để bán hàng, giúp mọi người làm đẹp ngày tết rồi 30 tết mình về nhà vẫn còn kịp”.
Tại khu vực Đường sách TPHCM, nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh, thậm chí nhiều bạn là công nhân các khu công nghiệp dịp tết vẫn nán ở lại để kiếm thêm thu nhập.
Nét buồn thoáng qua trên gương mặt khi có ai đó hỏi “sao tết này không quê”, Trịnh Thu Trang (24 tuổi, ngụ Q.9) làm thêm tại một quán cà phê ở Đường sách thật lòng: “Đây là cái tết thứ 3 em không về quê. Ngày tết, nhiều hàng quán rất thiếu nhân viên, lương lại tăng 300% là những lý do để em ở lại. Em cố gắng để có thêm tiền đóng học phí, đỡ bố mẹ ở quê phải lo lắng”.