“Nóng ghê mày…” - Thái ngồi kế bên ái ngại nhìn theo cái dáng thấp thỏm rầu rĩ đang dần khuất xa.
“Mình mà không kiên quyết là còn bám dai lắm, tao lạ gì cái đám này!”. “Sao không thử vận may xem, biết đâu trúng độc đắc cái là đổi đời luôn!”.
“Chẳng có đâu! Tao mua hoài mà có bao giờ trúng đâu. Ghét, không bao giờ thèm mua vé số nữa!”.
Ờ, bản thân Thái cũng chưa bao giờ trúng số, dù chỉ là cái giải an ủi uống chút cà-phê.
Đổi đời. Ai mà không muốn. Mua một tờ vé số mười nghìn, ngủ một giấc sáng mai thức dậy đã thấy mình thành tỷ phú. Ai mà chẳng ham.
“Ngồi mơ gì đó mày, uống đi, tan hết đá rồi kìa!”.
“Ờ…”.
Thái hớp một hơi cạn ly cà-phê đậu bắp vị khen khét. Biết là vậy mà vẫn ghiền à nghen. Thì cũng hệt như thuốc lá thôi. Ai nói độc hại ta mặc kệ độc hại, đã ghiền rồi ngày không làm vài điếu là ngứa ngáy liền. Đến lúc rít được một hơi thấy đã ơi là đã, ngon ơi là ngon. “Xong chưa? Vô mày!”.
Thái vào công ty sau Bình một thời gian. Sáng nào trước giờ làm hai thằng cũng ngồi quán cóc sát bên công ty đọc báo tán dóc rồi nhâm nhi cà-phê với đôi ba điếu thuốc. Tính ra công việc của hai thằng cũng nhàn hạ, chủ yếu chỉ ngồi bàn giấy văn phòng. Thời buổi khó khăn này muốn kiếm được việc như vậy quả là không dễ dàng. Được cái may mắn tụi nó vốn có bà con họ hàng xa lơ xa lắc với ông giám đốc, nên ba má mới ráng cậy nhờ chỗ thân tình gửi gắm vô đây. Thôi thì cháu con trong nhà dù gì vẫn là hơn.
Vào bàn ngồi rồi, Thái tần ngần mất một lúc, trước khi bật máy tính như thường lệ. Xem thử tin tức có gì mới mẻ hay ho không nào…
Chao ôi! Toàn những tin tức gây sốc. Lướt qua thấy đầy cướp - giết - hiếp. Sợ quá!
Người vô gia cư trúng xổ số gần ba triệu đô-la. Ồ, tin này hay. Thái liền quay sang khều Bình.
“Nè, thấy gì chưa!”.
“Ờ… Cái này đúng là đổi đời thiệt. Mà cái số hết mày ơi, tao mua không bao giờ trúng!”.
Phải rồi, chắc là cái số hết. Thái cũng tin sinh ra con người vốn sẵn rủi may khác nhau. Nếu không đã chẳng ai phải nghèo phải khổ, trong khi nhiều người khác lại mặc sức ăn sung mặc sướng.
Mà bản thân Thái rủi hay may nhiều hơn?
Chẳng biết nữa… Tuổi thơ Thái gắn bó với làng quê ruộng đồng, con trâu và cánh diều. Nhà Thái cũng từng lâm cảnh cơ cực những khi mùa màng thất bát, nhưng lạ thay chưa bao giờ Thái phải than thở “sao đời mình khổ quá!”. Có lẽ cái may mắn lớn nhất Thái có là tình thương của ba và má. Thái nhớ như in lời má thường dặn dò mỗi khi ôm nó vào lòng xoa đầu ngày bé:
“Nhà mình có nghèo cỡ nào ba má vẫn nuôi mấy đứa ăn học cho tử tế. Không cái nghèo nào khổ hơn nghèo chữ nghĩa, nhớ nghen con trai má!”.
Mới tới đó thôi Thái đã thấy bồi hồi rưng rưng nhớ má rồi.
“Sao đờ ra vậy mày, làm mấy cái báo giá coi!”.
“Ờ…”.
Công việc bàn giấy. Thái mở chương trình Word lên gõ gõ bàn phím lóc cóc.
Làm làm một hồi loáng cái đã tới giờ nghỉ trưa. Thời gian trôi gì mà nhanh kinh khủng vậy?
“Ăn cơm mày ơi!” - Bình đứng lên kéo ghế sát lại bàn.
“Ờ. Đi ăn thôi…”.
Dù hai thằng bằng tuổi nhau, Bình giống như sư phụ của Thái vậy. Hồi mới vào công ty, đụng cái gì cũng bỡ ngỡ, Bình là người chỉ bảo tận tình cho nó, nên trong lòng nó nể phục và quý Bình lắm. Tính Bình cởi mở gần gũi, hai thằng chẳng mấy chốc mà thân nhau, đi đâu cũng đi chung.
Ra tới quán đã thấy người ta ngồi đông nghẹt rồi.
“Ăn gì lựa món đi mấy cháu!” - Dì Tư quán cơm cười đon đả khi thấy hai vị khách quen.
“Dạ, để tụi con coi…”.
Hai thằng đảo mắt một lượt mấy món ăn sắp sẵn bày trong tủ kiếng. Vẫn là những món thường ngày thôi. Có điều hôm qua ăn món này, hôm nay phải đổi qua món khác. Ăn hoài một món ngán chịu sao nổi.
“Thôi, dì cho con dĩa sườn trứng. Thằng kia ăn gì mày?”.
Thái ậm ừ: “Dạ, dì lấy con thịt kho hột vịt…”.
“Ăn hoài một món vậy mày?” -
Bình hỏi.
“Ờ, thích thôi…”.
Trưa nắng nóng nực, mùi đồ ăn thơm phức nhanh chóng quyện với mùi mồ hôi ngây ngấy của hai ba chục con người ngồi ăn trong một diện tích eo hẹp.
Ngồi đợi một chốc thì cơm cũng ra tới.
“Đói bụng ghê!” - Bình vừa cắn miếng sườn vừa xuýt xoa.
"Mua giúp già tờ vé số đi chú...".
Hai thằng nhìn lên. Nào phải ai xa lạ, lại là ông lão lúc sáng.
“Trời! Đi đâu cũng gặp ông hết vậy!” - Bình chuẩn bị nổi quạu đến nơi.
Thái vội đưa tay nhận xấp vé số ông lão đang chìa ra.
“Thôi để con mua cho…”.
“Mua chi vậy mày! Đi đi ông già, không mua đâu!” - Bình xua tay hệt như lúc sáng.
“Kệ tao đi. Con lấy tờ này… con gửi tiền…”.
Thái móc bóp đưa tờ mười nghìn cho ông lão.
“Già… cảm ơn chú… Già chúc chú thật nhiều may mắn…” - ông lão vừa cầm tiền vừa lắp bắp cảm ơn.
“Dạ… con cảm ơn…”.
Lão còn mời thêm vài ba vị khách nữa trước khi bỏ ra ngoài đường. Thái nhìn theo. Trời đang nắng chang chang mà ông già để đầu trần chẳng có mũ nón gì.
“Ăn đi mày, ngồi hoài. Bữa nay bày đặt mua vé số nữa ta… đọc tin lúc sáng xong ham hả!”.
“Không, mua giúp ổng thôi mà…”.
Thái ngó xuống tờ vé số vẫn còn cầm trên tay.
May rủi là chuyện của ông trời, phải vậy không?
Nhà mình có nghèo cỡ nào ba má vẫn nuôi mấy đứa ăn học cho tử tế. Không cái nghèo nào khổ hơn nghèo chữ nghĩa, nhớ nghen con trai má!
Nó xúc từng muỗng cơm cho vào miệng mà thấy lòng đắng ngắt khi nhớ lại gương mặt khắc khổ của ông lão bán vé số khi nãy. Gương mặt ấy có khác nào khuôn hình của ba nó, má nó ở quê đâu…
Nghe lời má, Thái không để dang dở chuyện học hành, ráng lặn lội bốn năm ở thành phố xa lạ này để có tấm bằng mà mở mày mở mặt với người ta. Nhưng rồi ngày ra trường nó chợt thấy mình bơ vơ giữa những con đường chằng chịt dây điện mắc giăng rối như tơ nhện. Nó chỉ là một con côn trùng nhỏ bé bị vướng vào những sợi tơ vô cảm ấy, giãy giụa chẳng có lối thoát. Không tìm được việc làm. Về quê. Bao nhiêu khấp khởi kỳ vọng về một tương lai sáng sủa hơn tan biến như bong bóng xà phòng.
Cũng từng có lần Thái nghĩ tới việc đi bán vé số khi cái bụng sôi lên vì đói.
Vẫn là ba má nhẫn nhục nhờ vả người ta mãi, nó mới có việc như bây giờ mà quay trở lại thành phố.
Lương chỉ đủ sống. Tháng nào cũng bữa đói bữa no, nói gì đến chuyện tích lũy, gửi về phụ giúp ba má…
“Mày sao vậy! Ăn nhanh đi! Tới giờ làm rồi!”
“Ờ…”
Nó phải ráng ăn cho hết. Cơm là tiền. Là mồ hôi của ba má nó. Mắt nó hoen đi, vừa ăn vừa cố kìm lại.
“Sao mắt đỏ hoe vậy?”.
“Không có… Con gì nó bay vô mắt thôi…”.
Nó móc bóp cất tờ vé số vô cẩn thận rồi ăn hết phần cơm còn lại.
Năm giờ chiều. Ngày làm việc kết thúc. Thái vươn vai, kéo ghế tính về thì Bình gọi giật lại.
“Vé số xổ rồi kìa, mở máy dò coi trúng không mày!”.
“Ờ…”.
“Vé mày của đài tỉnh nào để tao kiếm cho, sẵn còn mở máy tính”.
“Nè, mày coi đi…” - Thái đưa tờ vé số cho Bình.
“Có khi nào trúng không ta! Trúng đừng quên anh em nha!”.
“Dễ gì mày ơi. Tao cũng như mày, mua có bao giờ trúng đâu. Thấy thương thì mua giúp người ta thôi…”.
“Chứ nếu trúng, có một đống tiền thì mày làm gì?” - Vừa nói Bình vừa tìm trên mạng mấy trang dò xổ số trực tuyến.
Thái chợt lặng đi. Có một đống tiền thì làm gì ư? Nó bao giờ mà chẳng nghĩ về điều đó. Đêm nào về nhà trọ cũng nằm thao thức rất lâu mới thiếp đi được.
Nhất định con sẽ xây cho ba má một căn nhà mới… Biết đến khi nào nó mới thực hiện được lời hứa trong lòng ấy.
Phải rồi, nếu mà nó trúng số… Tự nhiên tim đập mạnh hơn. Thình thịch. Thình thịch.
“Trật lất hết mày ơi! Tao đã nói rồi, có bao giờ trúng đâu!”.
Nó cười cười: “Có số hết rồi mà mày!”.
“Thôi về, lần sau đừng mua nữa nha, phí tiền!” - Bình lắc đầu, đưa lại tờ vé số cho Thái.
“Ờ… về thôi…”.
Hai thằng tắt đèn quạt, đóng cửa rồi lấy xe chạy về.
Lại một ngày trôi qua trên thành phố này. Dòng người xe từ đủ các công sở trường học đổ ra giờ tan tầm chẳng mấy chốc làm đường xá chật chội kẹt cứng. Rồi cứ thế mỗi người nhích từng chút trong cái dòng xe nối đuôi dài thườn thượt ấy, hệt như những con kiến bám sát lấy nhau tìm đường về tổ. Thái mắc kẹt trong đó, như lâu nay vẫn vậy, ngày qua ngày.
Đèn đỏ. Nó dừng xe trước ngã tư. Lập tức một tiếng nói vang lên:
"Mua giúp già tờ vé số đi chú...".
Lại là ông lão lúc sáng? Thái quay sang.
Không phải. Một ông lão khác nhìn hom hem hơn tay run run chìa ra xấp vé số.
May mắn bán cho người ta hết rồi… còn lại gì cho mình, ông lão ơi?
Thái lại nhớ ba nhớ má. Khói xe bụi bặm làm hai mắt nó cay xè.
Sài Gòn - 2/2014
Lưu Quang Minh
Câu chuyện gây hồi hộp cho độc giả, không biết cậu thanh niên nhân vật chính có trúng số? Việc may mắn có được số tiền lớn luôn kích thích trí tưởng tượng của mọi người. Có thể đây cũng là ý đồ của nhà văn, cuốn người đọc vào câu chuyện thực ra rất bình dị này. Một câu chuyện về thân phận của những người thấp cổ bé họng trong xã hội, những người “May mắn bán cho người ta hết rồi… còn lại gì cho mình”…L.A.H