Vệ sinh cá nhân phải đi đôi giữ vệ sinh môi trường

Tư vấn chăm sóc sức khỏe và kiến thức vệ sinh cá nhân cho người dân (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Tư vấn chăm sóc sức khỏe và kiến thức vệ sinh cá nhân cho người dân (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Để phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng cần phải chung tay thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo, rửa tay bằng xà phòng là biện pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), rửa tay với xà phòng thưởng xuyên sẽ giảm tới 50% các trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 25% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Khảo sát của Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cho thấy, 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Các mầm bệnh lây truyền qua bàn tay là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm.

Rửa tay với xà phòng cần được thực hiện hằng ngày, đặc biệt đối với các thời điểm: trước khi chế biến thực phẩm; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi; sau khi tiếp xúc với động vật, kể cả động vật nuôi trong nhà...

Ngoài ra, vệ sinh răng miệng, tắm rửa, giặt giũ bằng nước sạch cũng là những biện pháp vệ sinh cá nhân cần được thực hiện thường xuyên.

Giữ gìn vệ sinh môi trường

Các chuyên gia Y tế khuyến cáo, cần đi tiêu vào nhà vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, không sử dụng cầu tiêu ao cá. Nhà tiêu hợp vệ sinh phải được xây dựng cách xa nguồn nước sinh hoạt, đáy của hố phân phải cách mực nước ngầm ít nhất 1,5m.

Theo báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh/thành phố, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn đã tăng 12,8% trong vòng 10 năm, góp phần đẩy lùi các dịch bệnh liên quan tới nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng miền. Nhiều tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình ở mức thấp, dưới 50%. Không ít trường học, bệnh viện, trạm y tế, các điểm tham quan du lịch, bến xe...còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn.

Một số biện pháp vệ sinh môi trường khác cũng rất cần thiết là thu gom, xử lý rác thải, phế thải đúng quy trình; quét dọn nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh. Phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng các biện pháp sinh học như thả cá, Mesosyclops...

Vệ sinh cá nhân phải đi đôi giữ vệ sinh môi trường ảnh 1 Xây dựng nhà tiêu kiểu tự hoại

Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh

Nhằm từng bước cải thiện nguồn nước, nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân và bảo vệ môi trường, Bộ Y tế đã triển khai chương trình “Mở rộng Quy mô Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn” dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng Thế giới tại 21 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Chương trình triển khai tập huấn tại các tỉnh cho cán bộ giáo dục, giáo viên cũng như hoạt động truyền thông tại các trường học là rất khả quan. Qua hai năm triển khai, Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn trong việc vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đến nay, có 27 xã đạt Vệ sinh toàn xã, thêm 25 xã được thẩm định là đạt độ bao phủ vệ sinh 70% hộ gia đình, và còn hơn 150 xã đang triển khai để đạt Vệ sinh toàn xã vào cuối năm 2018. Dẫn đầu danh sách “các tỉnh thực hiện tốt” là 4 tỉnh: Thái Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận và Hà Giang. Trong đó, Thái Nguyên là tỉnh đã đạt được vệ sinh toàn xã cao nhất (8/27 xã).

Ngoài ra, hằng năm, Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (2-7) theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe, phòng bệnh...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.