Về những bức tranh lưu lạc

0:00 / 0:00
0:00
Nghỉ giữa buổi năm 1971, in khắc gỗ màu 31x41cm
Nghỉ giữa buổi năm 1971, in khắc gỗ màu 31x41cm
TP - Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, tôi và nhà báo Cao Phong đến thăm họa sĩ Tôn Đức Lượng, bởi trước đó đã đôi lần gặp ông ở nhà Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mai Nam trong những ngày giỗ, tết được mời...

Họa sĩ Tôn Đức Lượng là anh ruột cố nhà báo - NSNA Mai Nam. Cả hai anh em thuộc nhóm 7 người đã lập nên cơ quan và ra số báo Tiền Phong đầu tiên ngày 16/11/1953 tại Chiến khu Việt Bắc.

Qua vài nhà đầu con ngõ nhỏ số nhà 128 phố Hàng Trống- Hà Nội là căn hộ họa sĩ Tôn Đức Lượng. Ấn tượng đầu tiên khiến cả hai chúng tôi chăm chú ngắm tranh treo trên tường với nhiều thể loại sơn dầu, màu nước, kí họa mực nho có kích cỡ khác nhau. Trong câu chuyện bàn về kí họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những bức tranh thất lạc.

Nhấp chén trà mới pha trong chiếc tách hạt mít cổ, ông chậm rãi kể: Thực lòng tôi nghĩ “những đứa con thất lạc” sinh ra từ Chiến khu Việt Bắc sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được. Đó không những là một phần gia tài nghệ thuật mà còn đọng lại biết bao kỉ niệm, kí ức về một thời trai trẻ sôi nổi qua những bức vẽ trong thời kì kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp. Đó là những chuyến công tác dài ngày cho ra những bức kí họa về người dân vùng tự do phấn khởi đi đóng thuế nông nghiệp. Ngoài ra tôi còn tập truyện tranh về Nguyễn Quốc Ân, một học sinh có tinh thần yêu nước dám đứng lên chống lại chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Truyện tranh về anh Nguyễn Quốc Ân và hầu hết những kí họa tôi đều vẽ bằng bút sắt trên quyển sổ tay khổ 13x18 cm và lớn nhất cũng chỉ là cỡ 18x24 cm. Sau năm 1954 khi trở về Hà Nội có nhiều bức vẽ tôi cắt dán lại đóng thành một quyển sách.

Những bức ký họa lưu lạc

Năm 1957, một hôm anh bạn thân cùng học Trường Mỹ thuật Đông Dương với tôi đến nhà chơi, anh tên là Mai Văn Nam người cũng có nhiều tranh kí họa. Anh công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh ngỏ ý mượn tập tranh kí họa trong đó có truyện tranh Nguyễn Quốc Ân để anh giới thiệu cho Bảo tàng. Thời gian qua đi đến mấy năm, một lần tôi đến nhà anh Mai Văn Nam chơi nhân tiện hỏi về tập tranh anh mượn, anh nói: Xếp một đống của gần ba mươi tác giả nên chưa có thời gian sắp xếp… Vì nể bạn tôi cũng không qua lại nữa. Thấm thoát gần 30 năm tập tranh tôi gửi anh Mai Văn Nam quên dần và đến năm 1986 họa sĩ Mai Văn Nam mất, tôi cũng không được thông báo, sau này có người thông tin tôi mới biết.

Sau khi họa sĩ Mai Văn Nam mất được một năm, năm 1987 vợ Mai Văn Nam thu dọn nhà cửa, gom được nhiều bó tranh rồi gọi đồng nát đến bán. Thoạt đầu tôi không hề biết chuyện, sau này người mua toàn bộ số tranh đó kể lại cho tôi.

Vào một buổi sáng mùa đông năm 2008, trời mưa rả rích, lúc đó vào khoảng 9h có tiếng gõ cửa. Trước mặt tôi là người đàn ông trạc 40 tuổi. Người đàn ông này tôi không hề quen biết và cũng chưa một lần gặp mặt.

Về những bức tranh lưu lạc ảnh 1

Họa sĩ Tôn Đức Lượng

- Thưa, tôi muốn gặp họa sĩ Tôn Đức Lượng?

- Sao anh quen họa sĩ Tôn Đức Lượng?

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh năm 1925 tại tỉnh Bắc Ninh. Ông đi theo kháng chiến từ những năm 1948 - tại Chiến khu Việt Bắc. Ông là họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cho Trung ương Đoàn Thanh niên, báo Cứu quốc, sau này khi thành lập báo Tiền Phong ông là một trong sáu người sáng lập ra tờ báo Tiền Phong bây giờ, ông làm cho báo Tiền Phong đến khi nghỉ hưu.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng cũng là một trong những họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương khóa cuối cùng họa sĩ Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Như Huân…

Người khách lại cười… Thế mới tài. Tôi hơi ngạc nhiên và mời anh vào nhà. Trong khi rót nước mời khách anh nhìn tôi và hỏi: “Ông còn nhớ tập truyện tranh Nguyễn Quốc Ân không?” Tôi không kịp đặt ấm nước xuống bàn và giật mình. Một tia hy vọng vụt đến, rất có thể tập sách tranh kí họa của mình vẫn còn. Tôi hỏi sao anh biết truyện tranh Nguyễn Quốc Ân? Anh lại thủng thẳng trả lời: Thế mới tài! Người khách lạ giờ mới giới thiệu mình là Phạm Văn Thông hiện đang làm việc tại Nhà hát Tuồng Trung ương có địa chỉ trước chợ Hàng Da - quận Hoàn Kiếm. Sở dĩ biết họa sĩ có tranh truyện Nguyễn Quốc Ân là do tôi mua lại được toàn bộ số tranh trong đó có truyện tranh kí tên tác giả Tôn Đức Lượng. Rồi anh kể: Vào một buổi chiều đi làm về, tôi nhìn thấy bà đồng nát cùng một người nữa gánh hai gánh giấy cuộn lại thành từng bó lớn, bó nhỏ kiểu như giấy vẽ đi về nhà (nhà tôi cùng ngõ với bà ta). Ngay đó tôi theo bà đến nhà và hỏi: “Bà mua được những cuộn giấy gì mà nhiều thế? Bà bảo toàn tranh vẽ cả đấy anh có mua thì mua!”. Tôi ngỏ ý mua lại. Bà đồng ý bán toàn bộ cho tôi trong đó có truyện tranh Nguyễn Quốc Ân. Anh kể tiếp: Mấy ngày sau tôi tìm đến một người Thái Lan, anh tên là Tira Vanichtheeranont, kĩ sư điện ở Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam bán lại, sang tay toàn bộ số tranh tôi mua được cho anh người Thái này. Bởi, anh ta là người chuyên sưu tầm tranh Việt Nam mang về Thái. Cũng cần nói thêm, tôi là người dẫn mối nhiều lần cho anh ta tiếp cận với các họa sĩ tên tuổi ở Hà Nội để mua tranh.

Về những bức tranh lưu lạc ảnh 2

Mùa hoa gạo, khu kinh tế thanh niên 4/4/1972. Ký họa bút sắt và thuốc nước 48x60cm

Cái kết có hậu nhưng… buồn

Như vậy toàn bộ tranh kí họa của tôi vẫn còn nhưng được bán sang tay cho người khác. Chủ nhân của nó là ông người Thái Lan nọ. Sau khi đến nhà báo tin cho tôi biết về số phận tập tranh truyện Nguyễn Quốc Ân, hai ngày sau, anh Phạm Văn Thông đưa người Thái Tira Vanichtheeranont đến nhà tôi chơi. Anh ta ngỏ ý muốn mua tranh sơn dầu và một vài tranh khác. Tôi chỉ bức tranh sơn dầu treo trên tường cỡ khoảng 1m x1m4. Anh hỏi giá, tôi nói: Một trăm ngàn USD. Anh ta trả giá luôn 70 ngàn USD.

Năm 2011, người Thái đó tìm đến nhà tôi một mình và hỏi: Ông còn tranh kí họa bán không? Tôi bảo để tôi còn xếp sắp hẹn ông ngày khác. Hai ngày sau anh đưa năm người đến nhà tôi và giới thiệu đều là họa sĩ người Thái Lan đến xem và mua tranh kí họa. Tôi cho họ xem những bức kí họa vẽ vào những năm chiến tranh chống Mỹ khoảng 1971- 1972, phần lớn vẽ bằng bút máy, mực tự chế ở các địa danh: Mỏ than Cổ Kênh, Chí Linh, Hải Dương, Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, khu kinh tế Thanh niên xung phong Phú Thọ và nông trường Mộc Châu. Vì tranh để lâu không bảo quản nên có một số bức vẽ bị mối ăn thủng, bong tróc. Nhóm người Thái Lan xem xong và hỏi giá và ngỏ ý mua tất.

Tôi nghĩ cũng chẳng giữ lại làm gì rồi cũng sẽ hỏng hết nên phát giá: Hai ngàn USD toàn bộ số tranh kí họa. Mấy người trao đổi bằng tiếng Thái rồi quyết định mua không cần mặc cả. Trước khi ra về anh Tira hứa với tôi: Sẽ in toàn bộ tranh kí họa của tôi trong một quyển sách và tặng lại, đồng thời trong năm 2013 sẽ tổ chức triển lãm riêng tác giả họa sĩ Tôn Đức Lượng tại Hà Nội và TPHCM.

Năm 2012, một người Singapore đến nhà tôi giới thiệu được Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore cử sang Việt Nam gặp tôi là tác giả số tranh kí họa trong đó có tranh truyện Nguyễn Quốc Ân và xin tôi chữ kí về bản quyền. Lúc này tôi đã hiểu một số tranh của tôi qua đường Thái Lan sang quốc gia khác và hiện được lưu giữ tại: “Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore”.

Đúng như lời hứa của Tira người Thái, năm 2013, triển lãm mang tên: “Tôn Đức Lượng- Kí họa lịch sử” được khai mạc tại Hà Nội và TPHCM.

Trước đó mấy năm, năm 2010 Tira chọn số tác phẩm tranh Việt Nam của những tác giả nổi tiếng mà anh mua được mang sang Việt Nam và mời nhà phê bình mĩ thuật Phan Cẩm Thượng giúp đỡ hoàn thành cuốn sách mĩ thuật trong đó có số tranh kí họa của tôi cũng được in thành sách và triển lãm năm 2010. Cuốn sách được xuất bản mang tên “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam và hiện đại”. Từ bộ sưu tập của Tira cuốn sách được giới thiệu hầu hết các nhà sách ở Hà Nội và TPHCM. Tại Hà Nội vào tháng 10/2010, nhân kỉ niệm sự kiện ngàn năm Thăng Long, triển lãm đầu tiên về bộ sưu tập và giới thiệu cuốn sách cũng được tổ chức.

Sau khi triển lãm và ra mắt cuốn sách, Tira đã có cơ hội gặp gỡ nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam có những ký họa “độc nhất vô nhị” trong hai cuộc kháng chiến.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.