Về miền Tây săn cá độc lạ nhất hành tinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hung dữ, tinh ranh, lanh lẹ, miệng đầy răng nanh, đôi mắt như hai viên bi gắn trên đỉnh đầu... là những đặc điểm có ở loài cá lạ nhất miền Tây - cá thòi lòi. Loài cá đặc biệt này thậm chí biết leo cây và được tổ chức Sinh vật thế giới xếp vào danh sách 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh”.

Khởi hành chuyến săn cá thòi lòi từ lúc 6h sáng, ông Bảy Bá (Nguyễn Văn Bá, 83 tuổi, ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) mang theo khoảng 20 bộ “đồ nghề” đi dọc theo các tuyến sông khi con nước ròng dần cạn.

Nói đồ nghề cho sang chứ thực chất đây là những vỏ chai dầu ăn, nước mắm, nước ngọt… mà ông Bá đã thu gom về. Sau khi rửa sạch, ông cắt bỏ phần đáy chai, chế lại cái hom gắn dưới đáy tạo thành những chiếc bẫy để săn cá thòi lòi.

Về miền Tây săn cá độc lạ nhất hành tinh ảnh 1

Cá thòi lòi ở vùng sông nước Cà Mau

Thỉnh thoảng, thấy có hang nước đục ven bờ sông, ông Bảy Bá đến quan sát. Có hang ông quyết định đặt bẫy, nhưng có hang ông phớt lờ bỏ đi.

“Muốn biết cá thòi lòi có trong hang hay không, phải có kinh nghiệm nhiều năm mới “nhìn” được. Vì có thể cá đang ở trong hang, cũng có thể cá đã ra bên ngoài”, ông Bảy Bá nói, đồng thời lý giải thêm: Muốn bắt được cá thòi lòi phải nắm được quy luật con nước ròng - nước lớn. Nước ròng chúng chui xuống hang, khi nước lớn, thòi lòi mới bò lên chạy trên mặt nước kiếm mồi, sẽ sa vào bẫy.

Với kinh nghiệm khoảng 60 năm đặt bẫy cá thòi lòi, ông Bảy Bá chỉ mất khoảng 30 phút có thể đặt xong 20 chiếc bẫy. Trước những hang cá, ông nhấn nhẹ nhàng chai nhựa xuống, xua tay vài cái lấy bùn cố định thân chai rất gọn gàng, thuần thục. Sau khi đặt xong số bẫy, ông ngồi nghỉ giải lao dưới tán đước, chờ cá dính bẫy.

Về miền Tây săn cá độc lạ nhất hành tinh ảnh 2

Ông Bảy Bá đặt bẫy cá thòi lòi. Ảnh: Tân Lộc

Theo lời ông Bảy Bá, trước những năm 1960, vùng Đất Mũi được thiên nhiên ban tặng sản vật nhiều vô số kể, lại ít dân sinh sống nên hầu như người dân bản địa không ai thèm ngó ngàng gì tới cá thòi lòi. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đời sống trong rừng khó khăn, bộ đội tranh thủ bắt cá thòi lòi cải thiện bữa ăn. Cá thòi lòi nhiều, dễ bắt, lại lành tính, không tanh nên rất dễ ăn.

Ông Bảy Bá nguyên là lính của Cục hậu cần - Quân khu 9 quê ở tận tỉnh Hà Nam. Được phân công về đóng quân tại vùng Đất Mũi, ông khá xa lạ với con cá thòi lòi.

“Lúc đầu, anh em đồng đội kêu ăn thử tôi không dám. Nhưng sau này, đói quá nên ăn đại mà ai ngờ ngon thiệt. Biết rồi, tôi tự học cách bắt cá thòi lòi ăn hoài luôn. Lâu dần, nghề bắt cá thòi lòi cũng theo tôi mấy chục năm nay”, ông Bảy Bá cười hiền nói. Sau khi rời quân ngũ, ông lập nghiệp, sinh sống ở miền đất cuối trời Tổ quốc đến tận bây giờ.

Đặc sản cá “kỳ lạ nhất hành tinh”

Nói đến cá thòi lòi, hễ là người dân sinh sống ở vùng ĐBSCL, từ già đến trẻ ai cũng biết đây là loài cá được mệnh danh “kỳ lạ nhất hành tinh”. Từ hình dáng cho đến màu sắc, cả cặp mắt, bộ vây đều rất đặc biệt. Một loài cá đa năng, có thể nhảy, bò, chạy trên cạn, bơi dưới nước, lại cũng có thể leo lên cây.

Ông Bảy Bá cho biết, sở dĩ có tên gọi cá thòi lòi là do các đặc điểm có một không hai của nó: đôi mắt lồi ra như gắn 2 hòn bi trên đỉnh đầu. Cá thòi lòi chủ yếu sống ở những vùng đầm lầy ẩm ướt, nước thuỷ triều thường xuyên lên xuống. Chúng thường trốn trong hang khi nước rút cạn và chui ra ngoài hang “dạo chơi”, kiếm ăn khi nước đầy. Loài cá này rất tinh quái, di chuyển rất nhanh và khi bị động chúng thường chui tọt vào hang, thủ sẵn nhiều hang phụ để thoát thân khi có nguy hiểm.

Theo lời ông Bảy Bá, tuỳ từng địa phương, mỗi nơi lại có cách riêng để bắt cá thòi lòi, như: đào hang, cắm câu vào ban ngày hay soi đèn ban đêm,… Thế nhưng, cách bắt cá thòi lòi phổ biến nhất mà cha ông chỉ dạy là dùng “sà di”. “Sà di” là loại bẫy cá được làm bằng lá dừa nước, kết lại với nhau thành khối hình tròn, giữa khối tròn có hom được làm bằng cọng dừa nước để cá chạy lên không quay đầu xuống được. Mồi nhử cá có thể là con tép, con tôm hay con cá cắt nhỏ.

Về miền Tây săn cá độc lạ nhất hành tinh ảnh 3

Cá thòi lòi dính bẫy

“Ngày xưa, chai nhựa rất hiếm nên bộ đội thường dùng lá dừa kết “sà di” làm bẫy bắt cá. Tuy nhiên, “sà di” làm rất mất thời gian, khoảng 30 phút mới kết được một cái. Nếu không thăm bẫy thường xuyên, cá sẽ dễ bị chết. Còn bẫy bằng chai nhựa khi cá chui vào có thể sống được 3 ngày. Bẫy bằng chai nhựa vừa ít tốn công, lại dễ tìm”, ông Bảy Bá chia sẻ.

Sau gần một giờ đặt bẫy, ông Bảy Bá rít điếu thuốc lá rồi bắt đầu đi thăm bẫy. Với kinh nghiệm của mình, từ xa ông Bảy đã biết chiếc bẫy nào dính cá. Trong chiếc chai nhựa, con cá thòi lòi dựng vây, ngọ nguậy tìm cách thoát thân. Tháo bẫy, cầm con cá thòi lòi trên tay, ông Bảy Bá bảo, ngày xưa, cá thòi lòi ở vùng đất này to gấp mấy lần, cỡ tầm 3 - 4 con/kg.

“Nhìn cá hồi xưa mê lắm, muốn ăn liền, còn bây giờ cá nhỏ, lại ốm tong teo. Loài cá này chưa thể lai giống và nuôi nhân tạo như các loài hải sản khác nên sản lượng ngày càng hiếm”, ông Bảy Bá nói.

Hì hục dưới bùn lầy cả tiếng đồng hồ, cả ông Bảy Bá và tôi đều thấm mệt, nhưng rất vui vì 20 chiếc bẫy gần như đều dính cá. Theo nhẩm tính, với 3kg cá thu được, ông Bảy Bá sẽ kiếm được gần 200 nghìn đồng. Trung bình, mỗi ngày, người dân xứ mũi Cà Mau có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng từ việc bẫy cá thòi lòi.

Thịt cá thòi lòi săn chắc, dai ngon và ngọt. Cá có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như: Thòi lòi nấu mẻ, nướng muối ớt, rang muối, kho tộ và làm khô. Mỗi món ăn có hương vị đặc trưng riêng khiến cho du khách đến đây một lần nhớ mãi.

Cá thòi lòi được xếp vào danh sách loài cá “kỳ lạ nhất hành tinh”. Từ hình dáng cho đến màu sắc, cả cặp mắt, bộ vây đều rất đặc biệt. Đây là một loài cá đa năng, có thể nhảy, bò, chạy trên cạn, bơi dưới nước, lại cũng có thể leo lên cây. Sở dĩ có tên gọi cá thòi lòi là do các đặc điểm có một không hai của nó: đôi mắt lồi ra như gắn 2 hòn bi trên đỉnh đầu.

MỚI - NÓNG