Tiếng thơm còn mãi
Được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia, nhưng cho đến nay lễ Minh Thề vẫn chỉ do dân làng Hòa Liễu tự tổ chức.
Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong về Lễ hội Minh Thề có các bậc cao niên trong Hội đồng bô lão làng Hòa Liễu. Cao tuổi nhất là cụ Phạm Văn Chút đã 90 xuân, vẫn tinh anh minh mẫn. Các cụ tuổi ngoài 80 như Phạm Quang Khải, Nguyễn Quang Thụy, Nguyễn Văn Gần, Nguyễn Quang Đương, Nguyễn Văn Như, Nguyễn Quang Thống... dung mạo đều quắc thước, phúc hậu. Cụ Phạm Đăng Khoa nguyên Phó ban thường trực Ban Quản lý di tích Đền chùa Hòa Liễu và người kế nhiệm là cụ Phạm Quang Năm chỉ cho chúng tôi tận thấy các di tích tại ngôi Miếu thiêng này.
Huyện Kiến Thụy có 14 xã, 1 thị trấn, đến nay vẫn chỉ riêng làng Hòa Liễu có một di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia, chính là Lễ Minh Thề. Trong tiếng trống lễ trang nghiêm, chúng tôi rưng rưng nghe cụ Phạm Đăng Khoa 85 tuổi đọc chúc văn cúng đầu năm, ôn lại công đức của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, người từ năm 1561 đã có công tu tạo chùa Hòa Liễu, lập ra Hịch văn Minh Thề, kết hợp tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách.
Ra sân, các cụ chỉ cho tôi xem cây cột đá đen bóng, nơi diễn ra nghi thức Minh Thề hằng năm “Do chính bà Thái Hoàng Thái Hậu chỉ đạo cột dải yếm dong trâu kéo về. Gần 500 năm qua, cái rãnh hình thành do kéo cột đá thiêng trên đồng đến nay vẫn hằn sâu lắm, chả trồng trọt gì được”-một cụ nói.
Hằng năm, lời thề đều được đọc trang nghiêm trước cột đá này. Từ dân đen cùng các vị chức sắc như Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần đều uống rượu tuyên thề. “Từ buồng cau trái chuối đến lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề...”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt”; “Dù là người có chức có quyền trong làng, người dạy học hay nông dân đều phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp, tuân theo thuần phong mỹ tục. Nếu dùng uy quyền làm những việc ác, lấy của công đem về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử…”.
Sau những tiếng hô “Y như lời thề”, vị chủ tế sẽ cắt cổ một con gà trống, cho tiết vào hũ rượu lớn để mọi người cùng uống máu ăn thề, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng.
Bà Hoàng thương dân
Vào thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh Thề. Năm 1993, Đền chùa Hòa Liễu được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Dựa trên cơ sở hương ước cổ, dân làng Hòa Liễu đã lập bản hương ước mới gồm 5 chương 20 điều, được giám sát, điều hành bởi một Hội đồng bô lão gồm 12 vị được dân kính trọng bầu lên. Năm 2017, Lễ hội Minh Thề được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Sử sách chép rằng, lễ hội Minh Thề có từ năm 1561, khi Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản - vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, về quê vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng cung tiến thêm vườn ruộng cho chùa, tổng cộng diện tích lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước. Phần ruộng thừa, bà Ngọc Toản dạy để làm Quỹ Nghĩa Thương, khoán cho dân cấy cày. Sản phẩm thu được phần chia cho người nghèo, phần tích trữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, bà cùng dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh Thề, nghĩa là lời thề minh bạch.
Trải qua bao biến cố thời cuộc, vật đổi sao dời, dân làng Hòa Liễu vẫn gìn giữ lễ hội Minh thề như một nét đẹp truyền thống để giáo dục đạo đức, văn hóa và gắn kết cộng đồng. Thời Pháp thuộc, “Hịch văn hội Minh Thề” còn được dịch ra tiếng Pháp để phổ biến và lưu truyền, nhưng sau đó, chiến tranh và đói kém khiến hội thề gián đoạn.
Các bô lão kể: Từ năm 1993, các vị cao niên trong làng bàn nhau phải khôi phục cho được lễ hội Minh Thề. Ròng rã gần chục năm gom góp, sưu tầm cổ vật, văn bia. Khi thấy đã đủ, Hội đồng bô lão mới lên trình bày với lãnh đạo huyện. Năm 2001, lễ hội được huyện cấp phép phục dựng. Làng mừng lắm, tập tành kỹ lưỡng, có cả Thường vụ, Thường trực huyện ủy về dự.
Tưng bừng nhất là Minh Thề năm 2017, khi làng đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa, có bà Đặng Thị Bích Liên-Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về trao. Cả nghìn người lễ bái, trống đánh suốt ngày, rộn rã các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đập niêu... Các quầy bán xôi, chè, đặc sản địa phương tấp nập khách khứa, kéo dài suốt 3 ngày. Tiền thu được bao nhiêu Ban quản lý di tích đều công khai. Trong 3 ngày, các cụ phải trả lời phỏng vấn của 32 nhà báo về chứng kiến, đăng bài, Lễ hội Minh Thề càng vang danh khắp nơi.
Ước gì Quan thề cùng Dân
Rằm tháng Giêng năm nay, Đền chùa Hòa Liễu thưa vắng hẳn, chỉ có Ban quản lý Di tích, Hội đồng bô lão và gần trăm dân làng đến thắp hương, dâng lễ.
Ông Nguyễn Văn Sinh-Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên, Trưởng ban Quản lý di tích xã cùng vài cán bộ xã ghé thăm, xác nhận: Nhờ có phong tục Minh Thề, mà xưa nay dân làng sống ôn nhu, hiếu thuận, không ai gian lận, tham lam của công hay tài sản của người khác. Hiện làng có 800 hộ, gần 3.000 dân, ngoại trừ một số vụ say xỉn xích mích thì tình hình an ninh trật tự luôn tốt đẹp. Năm nay, trên chỉ đạo phải quyết liệt phòng chống dịch, nên không Lễ, không Hội, cả cắt tiết gà hòa rượu thề trước cột đá cũng không được phép.
Nhiều vị trong Hội đồng bô lão bùi ngùi nói với phóng viên: Từ khi Lễ hội được phục dựng, trong số các “chức sắc” đến thề không tham nhũng trước cột đá thề này, cao nhất chỉ mới có các trưởng xóm và người được giữ chức chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Liễu suốt 20 năm, là ông Phạm Văn Khải.