Về hiện tượng "Quà cho con"

Hai trong số 100 bài học trong cuốn “Quà cho con”.
Hai trong số 100 bài học trong cuốn “Quà cho con”.
TP - “Tôi mua bản quyền cuốn Quà cho con đắt như vậy còn có mục đích mua ý tưởng của nó”- bà Kim Thoa, bà chủ nhà sách Tân Việt giải thích trong cuộc gặp gỡ báo chí về cuốn sách đầu tay của tác giả không tên tuổi, giá trị bản quyền 5 năm lên tới 550 triệu đồng.

Trong sách có gì?

Quà cho con gồm 100 bài thơ có ý nghĩa giáo dục, dạy trẻ con những bài học nho nhỏ như: Học chào, cảm ơn, xin lỗi, uống sữa hàng ngày, luyện chữ đẹp, không bị lạc, biết xấu hổ, không có gì là quá muộn, yêu thương bản thân, bảo vệ môi trường, đừng nghiện internet, chăm sóc ngoại hình, tiết kiệm điện, không ăn cắp vặt. Vân vân.

Dạy từ những việc nhỏ nhất: Cảm ơn từ thuở lên ba/Cảm ơn đến hết tuổi già chưa thôi.

Bài Không vi phạm bản quyền dạy: Một là vào mạng hồn nhiên/Xem phim chẳng phải trả tiền cho ai/Đao loát (download) rồi cóp vào phai (file)/Truyền nhau cứ thế đem xài vô tư...Và kết luận: Vi phạm dù ở loại nào/Cũng là hành động liệt vào xấu xa.

Dạy chọn trò chơi bổ ích: Phải biết phân loại được ra/Game nào bổ ích thì ta mới dùng/Ngày chơi hơn tiếng là cùng...

Tự bảo vệ bản thân: Sẵn sàng chống trả khi cần/Nhằm chỗ hiểm yếu mà dần đối phương. (Động từ “dần” khá thú vị). Hoặc: Cảnh giác những kẻ vật vờ/Tránh xa mấy gã hay sờ linh tinh.

Nắm bắt cơ hội: Cơ hội không thích lề mề/Phải chớp lấy nó mang về triển khai.

Dạy cả những chuyện: Hãy kiên định tinh thần/Đừng yêu đương sớm quá.

Có lúc như không hẳn dạy trẻ con: Dù có xinh đẹp như tiên/Tài giỏi như thánh nhiều tiền như vua/Quan thầy hay sãi ở chùa/Cũng cần giữ ý cho vừa lòng dân.

Dạy thưởng thức nghệ thuật: Nếu cuộc sống thiếu nhạc, phim, hội họa/Không văn thơ, ca múa với văn chương/Không màn nhung nơi sân khấu, hội trường/Thì con người thật đáng thương đáng tủi...Nghệ thuật tưới mát những tâm hồn khô hạn/Nghệ sĩ mỗi người đều là một ngôi sao/Đáng được yêu, được tôn trọng, tự hào/Người thưởng thức cần ngọt ngào, lịch sự.

Người Phú Thọ, là thành viên Câu lạc bộ Thơ Bút Tre nên tác giả thỉnh thoảng vận dụng lối chuyển dòng của Bút Tre: Nhận lỗi thể hiện tinh thần/Dũng cảm, cầu thị nên cần phát huy.

Tân Việt- nhà sách nổi lên mấy năm gần đây, đánh giá cao cuốn Quà cho con ở chỗ nó “là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam”. Bà Kim Thoa, chủ nhân của Tân Việt chia sẻ: “Cuốn sách chưa phát hành rộng rãi mà đã nhận được rất nhiều lời khen của các độc giả là các bậc cha mẹ”.

Trong sách cũng in những lời động viên, xưng tụng của nhiều nhân vật. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định đây là cuốn sách hay, sâu sắc. Diễn viên Xuân Bắc cho biết con anh ngấu nghiến đọc cuốn sách khi vừa có nó trên tay, sau đó đến lượt bố mẹ: “Đúng là quà thật, một món quà có ý nghĩa cả cuộc đời. Quà cho cha mẹ và cả gia đình. Thật khó có cuốn sách nào đạt được điều tuyệt diệu đến vậy, ai cầm cuốn này có lẽ cũng muốn học thuộc lòng”. GS Văn Như Cương hy vọng Quà cho con sẽ có mặt trong nhiều cặp sách học trò và tủ sách gia đình. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, “sếp” của tác giả (Nguyễn Huy Hoàng là thư ký của ông Biên) cho rằng tập thơ này đáng để chúng ta, nhất là các bạn trẻ suy ngẫm và hành động!

Còn chờ gì nữa, các nhà văn!

Nguyễn Huy Hoàng, 40 tuổi, người Phú Thọ sống ở Hà Nội,  công tác tại Bộ VHTTDL, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nảy ra ý tưởng làm thơ dạy con mình điều hay lẽ phải, anh Hoàng quyết định biến thành sách phát hành rộng rãi, nhất là cho trẻ em nghèo, trẻ ở vùng cao, vì xưa nay anh chưa thấy ai dạy kỹ năng sống cho trẻ bằng thơ cả!

Không ngờ bản thảo của anh được chào đón nồng nhiệt. Mới đầu anh còn định không ưu tiên Tân Việt, bởi có nhà sách khác sẵn sàng phát hành 5 vạn bản một lúc và dành 10% chiết khấu cho anh. Tập đoàn Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, chuyên doanh ngành xây dựng và ô tô, sẵn sàng đầu tư 2,5 tỷ đồng nhưng đòi đứng tên đồng tác giả nên anh không chịu. Đó là thông tin anh Hoàng đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí tuần trước. Cuối cùng, Tân Việt “thắng” với con số tác quyền là 550 triệu đồng cho 5 năm. Anh Hoàng tuyên bố sẽ trích một phần tiền bán sách để làm từ thiện.

Khi hé mở lý do mua bản quyền cuốn sách cao như vậy vì muốn mua ý tưởng của nó, có phải Tân Việt sẽ gợi ý đặt hàng các tác giả khác cũng viết sách dạy con bằng thơ? Còn tác giả Nguyễn Huy Hoàng tuyên bố sau đây sẽ cho ra mắt hàng trăm tập thơ nữa.

Được biết trong cuộc liên kết làm sách hiện nay, các tác giả mới là người nắm đằng chuôi chứ không phải phía xuất bản. Nếu không đạt chỉ tiêu về số lượng nói chung, sách nội nói riêng, nhà xuất bản có thể bị xóa sổ. Cơ hội lớn cho người viết còn gì. Một cuốn sách như Quà cho con, là đối tượng tranh cướp của các đơn vị chuyên làm sách và cả không chuyên, nếu có thế thật, biết đâu càng là cú hích để các cây bút tên tuổi và chưa tên tuổi xắn tay vào cuộc. 

Dạy kỹ năng sống cho trẻ bằng thơ quả là ý tưởng hay. Còn Quà cho con có phải thơ hay không, bạn đọc tự cảm nhận lấy. Điều chắc chắn là, đọc xong cuốn sách này (NXB Hội Nhà văn ấn hành), không choáng mới lạ, về thương vụ thành công của tác giả Nguyễn Huy Hoàng và sự  “nhẹ vía” của Tân Việt. Nhưng biết đâu đấy. 550 triệu đồng trong trường hợp này có thể “không tưởng” đối với ai đó nhưng “người dăm ba đấng, của muôn loài”. Người làm sách chắc đo lường được nhu cầu của bạn đọc mới dám phóng tay?

MỚI - NÓNG