VCCI: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn kèm bản giấy

TP - Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), dù rất nhiều địa phương đã cung cấp được dịch vụ hành chính công cấp độ 3 và 4, tức là cho phép doanh nghiệp chủ động nộp hồ sơ bằng bản điện tử và xử lý dựa trên bản điện tử đó. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng sau đó không thực hiện được và cán bộ lại hướng dẫn doanh nghiệp đi nộp bản giấy là việc thường gặp

Tại Hội thảo tổng kết năm năm thực hiện các Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 của Chính phủ do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến lên tiếng về đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn rất chậm và chưa đồng bộ. Theo đó, dù đã thực hiện hải quan điện tử nhưng thực tế DN vẫn phải nộp hồ sơ giấy rất nhiều. Có khi thủ tục đã hủy trên hệ thống rồi mà cán bộ vẫn bắt nộp giấy lên. Còn khi hoàn thuế, dù cũng đã điện tử hóa và DN đưa dữ liệu lên mạng hết rồi nhưng vẫn phải nộp hồ sơ giấy đi kèm. “Tôi làm hoàn thuế ở Hải quan Hải Phòng, bốn lần nộp hồ sơ để được áp mã, điều chỉnh thuế từ 2017 mà mãi mới đây mới được hoàn thuế”, bà Tú Anh nói.

VCCI: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn kèm bản giấy ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp vẫn kêu gặp khó khăn vì các thủ tục hành chính của các bộ, ngành. Ảnh: Nhật Minh

Cũng theo lãnh đạo Công ty An Đô, doanh nghiệp đang gặp khó vì các quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyte được quy định tại Thông tư 21/2017 của Bộ Công Thương. Cùng với kiến nghị cần cải cách thủ tục để đừng gây tốn kém cho DN, bà Tú Anh cho biết, khi Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37, các DN ngành dệt may rất vui. Nhưng sau đó, Bộ lại ban hành Thông tư 21 còn nhiêu khê, tốn kém hơn cả thực hiện Thông tư 37. “Trước chỉ tốn một tỷ thì giờ phải ba tỷ đồng”, bà Tú Anh nói.

Việc DN khổ vì thủ tục hành chính cũng được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nêu ra trong Báo cáo mới đây về thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Theo báo cáo này của VCCI, liên quan đến cải cách, về mặt thủ tục, mặc dù có đến hàng ngàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các loại hàng hoá, nhưng tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục. Tuy nhiên, trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục (khai báo hoá chất) là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy. Như vậy, mức độ cải cách rất chậm.

“Mặc dù rất nhiều địa phương đã cung cấp được dịch vụ hành chính công cấp độ 3 và 4, tức là cho phép doanh nghiệp chủ động nộp hồ sơ bằng bản điện tử và xử lý dựa trên bản điện tử đó. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng sau đó không thực hiện được và cán bộ lại hướng dẫn doanh nghiệp đi nộp bản giấy là việc thường gặp”, VCCI kết luận.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, những quy định trong Thông tư 21 của Bộ Công Thương cho thấy có sự vô lý. “Hồi soạn Nghị quyết 02, Bộ này đề nghị Ban soạn thảo không ghi đề nghị “bỏ Thông tư 21” vào Nghị quyết để Bộ này tự bỏ. Chúng tôi thấy cũng nhân văn nên đồng ý để họ tự bỏ. Nếu phản ánh của DN về việc Thông tư 21 vẫn đang thực hiện là đúng thì Bộ Công Thương đã không giữ lời hứa. Chúng tôi đã quá tin họ”, ông Cung nói.

Liên quan đến ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đã “Hứa xem xét về việc bỏ Thông tư số 21/2017/TT-BCT, tuy nhiên không thực hiện”, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương cho hay, việc nghiên cứu xem xét bỏ Thông tư số 21/2017/TT-BCT chỉ là ý kiến đề xuất ban đầu của một số doanh nghiệp; không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe những ý kiến phản hồi về việc thực hiện Thông tư 21 để kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh nếu có.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.