Vật lộn sống ở nơi giàu nhất thế giới

Bà Leong: “Chúng tôi sống rất chật vật”. Ảnh: SCMP.
Bà Leong: “Chúng tôi sống rất chật vật”. Ảnh: SCMP.
TP - Các sòng bài đã đem lại mức thu nhập ngất ngưởng cho Macau, một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, như tường thuật của SCMP, rất nhiều người dân ở đây phải vật lộn với cuộc sống, mong đắp đổi qua ngày.

Lúc này là 4 giờ chiều. Hoi Sao-sou cởi bỏ bộ đồng phục màu đen, vơ vội lấy chiếc túi đi chợ và vội vàng rời nơi  làm việc, một sòng bài lớn ở đặc khu hành chính Macau, nơi từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, ở cực nam Trung Quốc.

Mặc dù đã phải đi lại trong suốt ca làm việc kéo dài từ 7h sáng, bà Hoi, năm nay 69 tuổi, vẫn phải cố gắng vượt qua nhiều con phố dích dắc để đón xe buýt đi tới khu vực biên giới, giáp với thành phố Chu Hải thuộc Quảng Đông, đại lục Trung Quốc.

Bà Hoi, cũng như những nhân viên dọn dẹp casino khác, đợi vài phút rồi lên xe buýt số 25. Xe chạy qua biên giới giữa Macau với Chu Hải. Bà mua các loại rau. “Mọi thứ ở Macau rất đắt đỏ, vì thế tôi rất ít khi mua thức ăn hay đồ dùng ở đó”, bà nói. “Nửa con gà công nghiệp ở Macau mất 50 pataca (tiền Macau, bằng khoảng 150.000 đồng), trong khi mua ở Chu Hải chỉ có 25 pacata (75.000 đồng). Ở đại lục rẻ hơn nhiều”.

Hôm nào đường thoáng, ít người đi lại, ít xếp hàng, bà  Hoi chỉ mất 1 giờ để đi đến chợ ở Chu Hải, mua vài thứ rồi quay về nhà ở Iao Hon, quận đông đúc nhất Macau với mật độ dân số 170.953 người/km2.

Bà Hoi, có chồng thất nghiệp, hôm nay ngồi cạnh một lao công sòng bài khác như bà, trên xe buýt. Cả hai ca thán về đời sống khó khăn ở Macau, thành phố phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ 40 casino.

“Không thể nói  chúng tôi ghét các casino, bởi vì chúng mang lại nhiều việc làm, nhưng các sòng bài cũng khiến mọi thứ đắt đỏ lên rất nhiều… cuộc sống ngày càng khó khăn”, bà Hoi nói.

Bà nhận được mức lương hơn 7.000 pacata (khoảng 20 triệu đồng)/tháng trong khi phải lao động rất mệt nhọc, chỉ được nghỉ 45 phút ăn trưa. Công việc này đã kéo dài hơn 10 năm qua và bà Hoi chưa biết khi nào có thể nghỉ ngơi. “Tôi đã gần 70. Rõ ràng tiền lương không đủ sống, nếu không tôi đã nghỉ hưu ngay rồi”.

Sự bất bình đẳng giàu nghèo ở Macau, được coi như Las Vegas của châu Á, hiện diện khắp mọi nơi. Các cao ốc lấp lánh tương phản với những ngõ nhỏ tồi tàn, cửa sổ song sắt lùng bùng như chuồng cọp. Trên phố, lũ lượt khách du lịch xách túi to túi nhỏ trong khi trên vỉa hè là những người già lụi cụi đi thu nhặt bìa các-tông.

Macau, với hơn 658.000 người chen chúc trong 30,5km2 (vùng nội đô Hà Nội rộng khoảng 250km2), được cho là sẽ vượt qua Qatar trong vòng hai năm tới để trở thành nơi giàu có nhất thế giới, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tới năm 2020, cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha này, được trả lại Trung Quốc vào năm 1999, dự kiến có thu nhập đầu người cao nhất hành tinh, đạt 143.116 USD. Nhưng nhiều người dân Macau nói họ chẳng được hưởng “thành quả” này.

Vật lộn sống ở nơi giàu nhất thế giới ảnh 1

Vẻ hào nhoáng của Macau. Ảnh: live-less-ordinary.com.

Đằng sau những cao ốc là những khu phố cổ buồn thảm, nơi có những ông già cởi trần ngồi trước cửa. Đằng sau những tòa nhà, sòng bài lộng lẫy, đầy chật những khách giàu có từ Trung Quốc đại lục đổ tới, là một lớp người nghèo khổ, vật lộn để tồn tại giữa phồn hoa đô hội.

Bà Leong Kim-kuan, 61 tuổi, sống trong gầm cầu thang một chung cư, nơi hằng tháng bà phải trả 5.500 dollar Hong Kong (tiền thuê nhà ở Macau thường được tính bằng dollar Hong Kong). 5.500 dollar Hong Kong tương đương hơn 16 triệu đồng cho một “căn hộ” chưa tới 14m2 với ba người ở gồm bà Leong, ông chồng và cô con gái phải ngồi xe lăn. Phòng ngủ duy nhất nhỏ đến nỗi mỗi khi cô gái 28 tuổi muốn vào, cô cần tới sự hỗ trợ của cha mẹ.

Ba người sống dựa vào thu nhập của chồng bà Leong, làm bảo vệ ở một casino. Lương của ông khoảng 10.000 pacata (28,8 triệu VND), trồi sụt tùy vào tình hình sức khỏe.

Chồng bà Leong đã nộp đơn thuê nhà ở xã hội (có trợ giá) hồi năm ngoái, hy vọng được chuyển đến chung cư có thang máy, để con gái đi lại dễ dàng. “Nhưng tôi biết việc đó cũng phải mất nhiều năm”, bà Leong nhún vai.

Nhà bà Leong là một trong nhiều gia đình nộp đơn nhận hỗ trợ từ Caritas, một tổ chức từ thiện chuyên hoạt động giảm nghèo ở Macau. Chỉ riêng năm 2017, gần 2.400 gia đình đã được nhận thực phẩm từ “ngân hàng lương thực”, một chương trình  gây quỹ cộng đồng do Caritas điều hành. Cũng trong năm 2017, chính quyền Macau phải hỗ trợ tài chính hơn 4.100 gia đình.

Theo Paul Pun, tổng thư ký Caritas Macau, gần 10% dân số ở đây sống nghèo khổ và 4% phải vật lộn để có đủ thực phẩm cơ bản. Sự chênh lệch giàu nghèo là rất lớn. Chi tiêu đắt đỏ, giá nhà, bất động sản cực cao khiến người nghèo càng thêm khốn khó. Thậm chí theo ông Pun, tầng lớp trung lưu nay cũng cảm thấy vất vả trong việc trả tiền thuê nhà, chi tiêu gia đình và nuôi con. 
MỚI - NÓNG