Vắt kiệt tài nguyên là vô trách nhiệm với con cháu

Vắt kiệt tài nguyên là vô trách nhiệm với con cháu
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, nếu tiếp tục vắt kiệt tài nguyên để xuất khẩu là vô trách nhiệm với thế hệ sau.

Tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản
> Bắt quả tang doanh nghiệp xả thải ra môi trường

Ông đánh giá thế nào về tình hình cấp phép, khai thác khoáng sản thời gian qua?

Chúng ta thấy các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa nhiều về tình trạng khai thác khoáng sản không đúng quy định, ảnh hưởng môi trường. Tình trạng cày xới ở nhiều nơi ảnh hưởng đời sống dân cư trong vùng khai thác. Chúng ta đang cấp phép khai thác mà không có chiến lược sử dụng khoáng sản dài hơi.

Quy hoạch chi tiết khoáng sản cũng chưa có. Thậm chí những số liệu điều tra cụ thể còn đang thiếu. Trong điều kiện như vậy mà vẫn tiếp tục cấp phép thì sẽ rơi vào “sự đã rồi”.

Tôi cho rằng, việc Chính phủ quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản là kịp thời. Phải dừng lại để tổng kiểm tra, rà soát lại để làm những việc mà đáng ra phải thực hiện trước khi cấp phép như quy định trong Luật Khoáng sản. Có chiến lược, quy hoạch thì việc cấp phép mới hiệu quả.

Luật Khoáng sản đã được ban hành khá lâu với nhiều quy định cụ thể, nhưng phải chăng ở đây là câu chuyện lợi ích khi cấp phép?

Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ TN&MT) Lại Hồng Thanh cho biết, sẽ đánh giá lại tình hình cấp phép khai thác khoáng sản của các địa phương.

Từ tháng 9 đến hết tháng 10, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, thực hiện quy định của giấy phép, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động trong khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng.

Tôi chắc chắn có yếu tố lợi ích chi phối. Cuộc đối thoại về tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản mới đây đã cho thấy, nhiều trường hợp địa phương lách luật để cấp phép trong khi thực chất mỏ đó thuộc thẩm quyền của trung ương.

Nhiều mỏ được xé nhỏ để cấp phép nhưng thực tế đây là một mỏ liên hoàn. Một số chủ khai thác không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phục hồi môi trường. Bây giờ phải đặt vấn đề: Chúng ta khai thác khoáng sản để làm gì?

Tôi cho rằng, không được bán khoáng sản cho nước ngoài mà hãy giữ lại để phục vụ nhu cầu trong nước. Xuất khẩu khoáng sản chính là hành động vắt kiệt tài nguyên, thể hiện sự vô trách nhiệm với con cháu.

Nhìn rộng ra, phải chăng có thời kỳ các tỉnh đã chạy theo quan điểm tăng trưởng bằng mọi giá, trong đó có việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản để tăng trưởng?

Tôi cho rằng, trong con mắt của lãnh đạo các tỉnh có chuyện này. Thực tế có sự ganh đua giữa các địa phương trong phát triển kinh tế bằng mọi giá. Tốc độ tăng trưởng GDP của một tỉnh được coi là tiêu chí xác định năng lực của lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, phải thấy rằng ở đây có yếu tố tham nhũng. Khi duyệt cấp phép một mỏ khoáng sản là câu chuyện không đơn giản. Chúng ta thử đóng vai một nhà đầu tư đi xin cấp phép mỏ thì thấy, dễ dàng bị vứt ra bên ngoài. Một người bình thường liệu có được địa phương tiếp nhận, nâng niu?

Hiện nay cơ quan quản lý khoáng sản đã được nâng cấp lên thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, ông có nghĩ rằng việc này sẽ giúp quản lý khoáng sản tốt hơn?

Tôi cho rằng việc lập tổng cục này, tổng cục kia chưa chắc đã cần thiết. Việc nâng nên tổng cục làm phình biên chế hành chính nhà nước trong khi chúng ta đang nỗ lực giảm biên chế…

Luật Khoáng sản sửa đổi đã đưa việc khai thác khoáng sản gắn với cơ chế thị thường, thông qua việc đấu giá quyền khai thác, thăm dò. Nhưng đây chỉ là bước tiến bộ. Nhiều năm qua chúng ta chưa gắn vấn đề giá trị vào khoáng sản.

Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Ngoài tạm dừng cấp phép, cần làm gì với những dự án đã được cấp phép?

Những dự án chưa cấp là phải dừng. Dự án đã cấp phép thì nên cho kiểm tra lại. Cái nào trái pháp luật phải thu hồi giấy phép, ví như, cấp phép vượt thẩm quyền, cấp phép tận thu nhưng thực chất là mỏ liên hoàn, đánh giá tác động môi trường không đầy đủ, trữ lượng không chính xác…

Chúng ta đừng lo ảnh hưởng môi trường đầu tư trong lĩnh vực này. Bởi khai thác khoáng sản không có gì phải khuyến khích đầu tư cả. Chưa khuyến khích nhiều nhà đầu tư đã muốn nhảy vào vì đầy lợi nhuận trong đó. Do vậy, phải thẳng tay trong việc kiểm tra, thanh tra, quyết định thu hồi, xử phạt những dự án sai phạm. Theo tôi phải tổng rà soát lại. Khoáng sản phải được gìn giữ vì nó là sức sống của một dân tộc trong dài hạn.

Cảm ơn ông.

Từ khi đá opal ở huyện Đăk Mil, Đăk Nông lộ diện như một “mỏ vàng lộ thiên” thì nạn khai thác lập tức trở nên ồ ạt khiến đất đai, vườn tược tan hoang.

Năm 2006, thôn Tân Định, xã Đăk Gằn (huyện Đăk Mil) bắt đầu “nóng” lên vì đá opal - loại đá bán quý dùng để làm cảnh trong nhà theo quan niệm phong thủy, tạc tượng hay làm đồ trang sức.

Đến tháng 9-2011, đất đai bị cày xới hỗn độn, đường sá hư hỏng. Những cái hố rộng vài trăm mét vuông, sâu từ 5-7m.

Để đào đá opal, rất nhiều diện tích đất, rẫy hoa màu bị xới tung tìm đá. Thậm chí, nhiều hộ dân cùng nhau hùn vốn thuê xe múc về cày xới trên mảnh đất của mình, kể cả rẫy cà phê cũng bị san bằng để tìm đá. Có hộ liên kết với các đối tượng bên ngoài để khai thác, một số hộ khác thì cho thuê hoặc bán đất.

Ông Lê Văn Điệp, Phó phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Đăk Mil cho biết: Hiện, ở huyện hai xã có đá opal là xã Đăk Gằn và Đăk Lao, trữ lượng vẫn chưa xác định do chưa có đề án thăm dò cụ thể. Mỗi khi đoàn kiểm tra xuất hiện, các chủ phương tiện lại bỏ trốn hoặc viện cớ đào hồ lấy nước để sản xuất nông nghiệp.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.