Vào trại Auschwitz

Một trong rất nhiều những người lính Israel đến thăm di tích Auschwitz Ảnh: Thu Tâm - Hoài Anh
Một trong rất nhiều những người lính Israel đến thăm di tích Auschwitz Ảnh: Thu Tâm - Hoài Anh
TP - Oswiecim (Auschwitz) và Brzezinka (Birkenau) ở ngoại ô Krakow - Ba Lan là nơi thu hút du khách. Những câu chuyện đã nghe quá nhiều, những bộ phim cũng đã xem không ít, nhưng đến nơi vẫn cảm thấy thế là chưa đủ. Sẽ chẳng bao giờ là quá nhiều khi kể về những số phận đã đến đây, sống ở đây và ra đi khỏi nơi đây...

> Phát hiện sơ đồ xây dựng trại giết người của quốc xã

Nơi phải đến

Tôi quyết định đi Auschwitz chỉ trong nháy mắt với một ít thông tin về tàu xe. Đến Krakow - cố đô xinh đẹp của Ba Lan, bạn không cần quá băn khoăn về việc sẽ đi đến Auschwitz như thế nào - đơn giản vì bất kỳ người dân nào ở đây cùng có thể chỉ cho bạn tuyến xe bus hoặc chuyến tàu đến đó.

Auschwitz đã trở thành nơi phải đến đối với phần lớn du khách khi họ tới Krakow. Tham quan khu trại tập trung này phải đi theo tour hướng dẫn riêng và cài tai nghe.

Thăm di tích lịch sử Auschwitz không cần phải mua vé, nhưng nếu mua vé vào cửa thì đồng nghĩa với việc mua tour hướng dẫn bằng một thứ tiếng nào đó (tất nhiên không có tiếng Việt).

Vé tour tiếng Ba Lan chỉ 14 zl (zloty – tiền Ba Lan) thôi, nhưng các tour nói tiếng nước ngoài là 28 zl, có giảm giá cho sinh viên.

Tour hướng dẫn thường kéo dài 2-3 tiếng và người ta chỉ được phép chụp ảnh bên ngoài, cấm quay phim chụp ảnh các tư liệu hiện vật trưng bày bên trong.

Tôi chọn cho mình tour tiếng Đức. Mỗi ngày chỉ có 3 tour tiếng Đức và thật may mắn tôi đã kịp đến nơi trước khi tour tiếng Đức cuối cùng trong ngày bắt đầu 10 phút.

Cổng vào Auschwitz với khẩu hiệu khét tiếng
Cổng vào Auschwitz với khẩu hiệu khét tiếng .

Cánh cổng vào khu trại tập trung Auschwitz nổi bật khẩu hiệu của Đức quốc xã "Arbeit macht frei" (Lao động làm nên tự do).

Hàng triệu người Do Thái không có/không còn khả năng lao động đã phải chết. Những người còn lại thì lao động đến chết. Trại tập trung ở Auschwitz được xây dựng năm 1940, ban đầu chỉ dành cho tù chính trị là trí thức Ba Lan hoặc Xô viết, về sau bao gồm cả tù nhân người Do Thái.

Khi ấy có khoảng 11 triệu người Do Thái sống rải rác ở châu Âu, trong đó 5 triệu sống ở Liên bang Xô viết, 3 triệu ở Ba Lan và 3 triệu ở các nước tây và nam Âu.

Khi mà Đức quốc xã chưa thể rờ tay đến được 5 triệu người Do Thái ở Xô viết thì Auschwitz là địa điểm thuận lợi để thu gom 3 triệu người Do Thái ở Ba Lan và 3 triệu từ các nước khác về.

Bên trong các tòa nhà ở Auschwitz có những gian phòng chất đầy giầy dép của những người đã đi vào lò thiêu người của Đức quốc xã; có gian phòng xếp đầy vali có ghi tên tuổi, địa chỉ của những người đến đây và vẫn hy vọng một ngày được trở về nhà; có gian phòng ngổn ngang nồi niêu xoong chảo của những người đến đây và vẫn tưởng được sống bình thường như ở nhà...

Có gian phòng đầy gương lược của phụ nữ, giày dép, quần áo và cả búp bê của trẻ con.

Có gian phòng chỉ là tóc - tóc của những người đã đi vào lò thiêu người, những sản phẩm kinh tế từ tóc và cả hình ảnh những bao tải tóc chất đầy trong kho chưa kịp chuyển đi khi Đức quốc xã đầu hàng.

Trong những tòa nhà này còn trưng bày cả hồ sơ lưu trữ, danh sách tù nhân và các báo cáo nguyên bản tiếng Đức của Đức quốc xã.

Ban đầu Đức quốc xã giết người hàng loạt ở đây bằng Zyklon B (thương hiệu một loại thuốc trừ sâu mà thành phần cơ bản là xyanua).

Trong một gian phòng ở đây có trưng bày các vỏ hộp Zyklon B chất thành đống và hợp đồng giao nhận Zyklon B từ các công ty hóa chất của Đức sản xuất theo đơn đặt hàng của SS.

Bất chấp khả năng hủy diệt của Zyklon B thì phương pháp n ày vẫn bị cho là chưa hiệu quả và khó xử lý phần hậu sự nên SS đã cho xây dựng các lò thiêu người. Và những lò thiêu người được xây dựng ở Auschwitz I.

Birkenau nằm cách Auschwitz 3km và còn được gọi là Auschwitz II. Khi lượng người Do Thái được chở đến đây ngày càng tăng thì SS đã quyết định di dời toàn bộ dân cư ở Birkennau để xây dựng một trại tập trung mới lớn hơn.

Auschwitz II được xây dựng năm 1941 bằng chính sức lao động của tù nhân ở Auschwitz I. Hằng ngày họ được chở đến đây để dựng khu trại tập trung mới này và tối lại trở về Auschwitz I.

Bên trong lò thiêu người Auschwitz
Bên trong lò thiêu người Auschwitz.

Những bức ảnh trưng bày ở Auschwitz và Birkenau cũng có số phận kỳ lạ. Chúng được cất giấu trước khi Đức quốc xã đầu hàng và vô tình được một người phụ nữ đã từng là tù nhân ở Auschwitz tìm thấy trong đống đồ cũ ở một căn nhà thuộc bang Thuringen (Đức).

Ban đầu bà không biết cụ thể những bức ảnh được chụp ở đâu và có ý nghĩa gì cho đến khi bà nhìn thấy chính mình và gia đình mình trong những bức ảnh.

Khi ấy bà mới hiểu được lai lịch cuốn album và việc bà tìm thấy tập ảnh có ý nghĩa quan trọng thế nào. Những bức ảnh nguyên bản hiện vẫn được trưng bày ở Thuringen và bản copy được gửi tặng khu di tích Auschwitz-Birkenau.

Dường như mỗi bức hình ở đây cũng có một câu chuyện riêng. Mùa hè năm 2008 một du khách Đức đến đây đã tình cờ nhận ra một trong những sĩ quan SS trong hình chính là cha mình - người đã tham gia quân đội Đức và đóng quân ở Auschwitz-Birkenau khi ông mới 1-2 tuổi.

Trong bức hình là cảnh sĩ quan SS đang lựa chọn người: người già và không đủ sức lao động đi sang một bên, thanh niên trai tráng sang một bên...

Những đường ray ở Birkenau

Birkenau rộng hơn Auschwitz rất nhiều, nhưng điều kiện sống và sinh hoạt ở đây cũng tồi tệ hơn nhiều. Bên trong những khu nhà của trại tập trung Birkenau là những khung giường 3 tầng cho nhiều người, đệm chỉ là một lớp rơm mỏng.

Ai không may mắn phải nằm tầng đất thì sẽ cảm lạnh và ra đi sớm hơn những người khác. Đi giữa những dãy nhà này mà cứ tưởng như lạc vào dãy chuồng ngựa bỏ hoang.

Trời đã vào xuân, mặc đủ áo len áo dạ mà vẫn rét căm căm, tự hỏi liệu có người tù nào thời đó sống nổi qua mùa đông khắc nghiệt?

Cuộc sống trong trại tập trung Auschwitz-Birkenau đã được Halina Birenbaum mô tả trong quyển hồi ký của bà: Die Hoffnung stirbt zuletzt (Hy vọng chết sau cùng).

Halina Birenbaum 10 tuổi khi quân đội Đức chiếm được Warzawa, bà và gia đình bị đưa đến các trại tập trung ở Majdanek, Auschwitz-Birkenau và Ravensbruck.

Một ngày trên đường từ chỗ làm về chỗ ở (trong trại tập trung Majdanek) bà gọi mẹ và không nhận được câu trả lời, quay lại thì không còn thấy mẹ nữa...

Năm 15 tuổi, bà được Hồng quân Liên Xô giải thoát khỏi trại tập trung, và đang sống ở Israel. Hy vọng chết sau cùng là quyển sách cô hướng dẫn viên ở Auschwitz khuyên chúng tôi mua...

Trên đoạn đường vòng cuối cùng quanh Birkenau, cô hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi bia tưởng niệm những nạn nhân ở Auschwitz - phía sau đó là cái ao chứa rất nhiều tro của họ.

Cô hướng dẫn viên giải thích rằng, đối với người Ba Lan ngày xưa, việc rải tro xuống sông hồ là một điều sỉ nhục.

Rất gần những tấm bia đó là đám tro tàn của một trong hai lò thiêu người ở Birkenau đã bị Đức quốc xã đánh sập trước khi rút quân khỏi đây. Khu này còn được gọi là Canada (Kanada - phiên âm lái đi của “Keine da” nghĩa là Không còn ai ở đây - ngụ ý rằng không để lại dấu tích gì).

Đài tưởng niệm các nạn nhân của Auschwitz - Birkenau được xây dựng phía cuối những đoạn đường ray của những con tàu chở tù nhân đến Birkenau - cũng là đoạn cuối của nhiều kiếp người...

Mỗi một viên đá lát ở đây được coi là một bia mộ dành cho họ - có lẽ bởi thế mà giữa các viên đá không lấp đất chèn vào.

Có rất nhiều tấm bia đá tưởng niệm, mỗi tấm được ghi bằng một thứ tiếng, nhưng chỉ duy nhất bên tấm bia tiếng Đức có hoa. Phải chăng người Đức ngày nay vẫn không ngừng sám hối và muốn bù đắp lại những gì mà cha ông họ đã gây ra?

Nhìn những đường ray ở Birkenau, tôi tự hỏi đã có bao nhiêu chuyến tàu đến đây và có được bao nhiêu chuyến trở về.

Những ý nghĩ u ám bỗng bị xua tan khi ra cổng, dưới nắng ấm bừng lên tôi bắt gặp rất nhiều đoàn thanh, thiếu niên mình quấn cờ Israel ào vào tham quan.

Cha ông họ đã trở về để bây giờ họ quay lại đây nhìn - ngẫm lịch sử, không quên quá khứ…

Bên trong các tòa nhà ở Auschwitz có những gian phòng chất đầy giầy dép của những người đã đi vào lò thiêu người của Đức quốc xã; có gian phòng xếp đầy vali có ghi tên tuổi, địa chỉ của những người đến đây và vẫn hy vọng một ngày được trở về nhà; có gian phòng ngổn ngang nồi niêu xoong chảo của những người đến đây và vẫn tưởng được sống bình thường như ở nhà...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.