Vàng SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Vàng SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
TPO - “Chúng tôi đã bàn với UBND TP HCM về việc hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng của SJC sẽ trực thuộc ngân hàng nhà nước Việt Nam” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn sáng nay, 25-11.

> Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như phun thuốc trừ sâu

Trước thắc mắc của đại biểu Đào Xuân Huy về việc SJC đang chiếm thị phần quá cao sản lượng vàng, cũng như kinh doanh vàng miếng trên thị trường, có dấu hiệu trở thành độc quyền, thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đã bàn với UBND TP HCM về việc SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

“Theo quy định, nhà nước sẽ độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng. SJC hiện nay đã chiếm tới 90% thị phần trong hoạt động của các loại vàng miếng trên thị trường. Vàng SJC là công ty của Thành ủy thành phố HCM. Chúng tôi đã bàn với UBND TP là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng của SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Nhãn vàng SJC sẽ trở thành nhãn vàng của ngân hàng nhà nước” – Ông Bình thông tin.

"Chúng ta phải hiểu rằng, từ giờ phút này trở đi, nhãn vàng SJC là của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đổi chữ SJC thành chữ SVB cho đồng bào và chiến sĩ cả nước yên tâm" - Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Ông Bình cũng giải thích thêm: “Như vậy, nhà nước vẫn thực hiện được quyền độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, hơn nữa sẽ giảm được chi phí vì chúng ta sẽ sử dụng luôn nhãn hiệu đó”.

Trao đổi về hoạt động kinh doanh vàng, thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, còn rất nhiều bất cập. Trước tình hình giá vàng bất ổn trong những năm gần đây, thủ tướng chính phủ đã giao ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan, xây dựng lại nghị định quy định hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng nghị định đó, và chính phủ đang lấy ý kiến.

“Chúng ta khuyến khích hoạt động sản xuất, chế tác vàng trang sức vì đó là các hoạt động tạo ra các mặt hàng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm... Chúng ta siết lại hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc nhà nước độc quyền. Nhóm lợi ích nào bị quy định làm ảnh hưởng thì các nhóm đó đã đi trái lại lợi ích quốc gia do vậy sẽ không được chấp nhận và không được tồn tại” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Bên cạnh đó, thống đốc cũng cho biết, nghị định số 95 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng đã được ban hành hơn một tháng. Theo tinh thần nghị định, chúng tôi có những chế tài rất lớn, ngoài việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, cũng có biện pháp tịch thu toàn bộ tang vật.

Thừa nhận khuyết điểm, yếu kém

Trước câu hỏi: “Vượt trần lãi suất 14% trong nhiều tháng, lãnh đạo ngân hàng có trách nhiệm gì không?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nói, quy định mức trần lãi suất 14% từ cuối năm 2010 là một biện pháp hành chính, có các chế tài hành chính để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả.

“Nhưng trong thời gian đó, chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm về các chế tài của ngân hàng nhà nước hoạt động thanh tra, giám sát về trần lãi suất chưa được nghiêm.

Thanh tra thì nhiều, từ trung ương tới địa phương có hàng nghìn cuộc thanh tra trong sáu tháng đầu năm 2011, nhưng không phát hiện xử lý được bất kỳ trường hợp vi phạm nào.

Chúng tôi thừa nhận đấy là yếu kém, trì trệ của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng trong lĩnh vực này. Trách nhiệm đó thuộc về lãnh đạo ngân hàng nhà nước” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm.

Ngân hàng nhà nước cũng đang gấp rút xây dựng đề án về huy động vàng để quản lý thị trường vàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng sau khi các quy định này được ban hành sẽ có đầy đủ công cụ để quản lý thị trường vàng theo nguyên tắc đảm bảo bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về việc sở hữu vàng,mua bán vàng miếng, gửi ở những địa chỉ an toàn và có khả năng sinh lãi đối với vàng miếng.

“Chúng tôi đã phạt một đơn vị chỉ có niêm yết giá bằng ngoại tệ thôi cũng đã là 500 triệu đồng. Chúng tôi cũng xử phạt hai cửa hàng kinh doanh vàng bán ngoại tệ trái phép khi không có giấy phép từ 50 – 100 triệu tiền phạt và tiến hành thu hồi toàn bộ các tang vật là số ngoại tệ đang giao dịch”. – Thống đốc Bình dẫn chứng.

Cũng trong sáng nay, vấn đề lãi suất được nhiều đại biểu (Nguyễn Văn Thuyết, Trần Ngọc Vinh, Nguyễn Thái Học, Lê Văn Lai, Nguyễn Văn Tiên, Trần Du Lịch) chất vấn. Thống đốc cho biết, đã nêu lên căn cứ thực tiễn và khoa học để quy định mức trần lãi suất 14%.

Theo ông Bình, luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 cho phép Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, được quy định các mức trần lãi suất liên quan đến huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, việc quy định một mức trần lãi suất chung cho hệ thống ngân hàng là quy định hợp lý nhất.

Trên thực tiễn, ngân hàng có quy mô lớn, uy tín lớn, tiềm lực lớn, hoạt động tốt thì đương nhiên sẽ có lợi thế hơn. Ngân hàng nhỏ hơn nhưng tình hình tài chính vững mạnh chưa chắc đã gặp khó khăn với mức trần này. Chủ yếu những ngân hàng có tình hình tài chính yếu kém, không đáp ứng được lòng tin của doanh nghiệp và người gửi tiền nên họ lo lắng, rút vốn.

Ông Bình cho biết, trước thời điểm 7-9-2011, một số tổ chức tín dụng huy động lãi suất cho vay từ 16 - 18%. Tuy nhiên, tại hội nghị diễn ra ngày 7-9, với tinh thần thẳng thắn, nhìn vào sự thật, các ngân hàng thừa nhận đã vi phạm vượt mức trần lãi suất trong suốt tám tháng, và đã siết lại trần lãi suất là 14%.

Đến nay lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh phổ biến từ 16-18%, còn đối với các lĩnh vực kinh doanh khác như phi sản xuất, bất động sản, chứng khoán… lãi suất phổ biến từ 18-21%.

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận tình trạng cò, môi giới tín dụng.

“Hoạt động cò, môi giới hết sức tinh vi. Chúng tôi đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đang phối hợp với lực lượng công an để điều tra và sẽ tiếp tục làm tốt trong thời gian sắp tới”.

Về giải pháp kiềm chế kinh doanh ngoại tệ trên thị trường chợ đen, thống đốc Bình cho biết, chế tài xử phạt quy định trong nghị định 95 trong lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại tệ rất lớn. Lấy ví dụ cụ thể, ông Bình cho biết, một đơn vị chỉ có niêm yết giá bằng ngoại tệ thôi cũng đã bị phạt tới 500 triệu đồng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua tội phạm công nghệ cao cũng đang là vấn đề nhức nhối, tuy nhiên, cho đến nay, chưa xảy ra những vụ việc lớn.

Ông Bình cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ thông tin truyền thông và các lực lượng công an, đặc biệt là các lực lượng chống tội phạm công nghệ cao để đề phòng vấn đề này.

Ông cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng nên có những biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống tài liệu, dữ liệu của mình trước sự tinh vi ngày càng cao của tội phạm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.