Vàng ở đảo giấu vàng

Vàng ở đảo giấu vàng
TP - Sào huyệt của cướp biển từ nhiều trăm năm trước, giờ trở thành xã mồ côi giữa biển. Đảo Bé (thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) trông xa như mom núi trồi lên mặt biển, giờ còn một di tích, được đặt tên là hang Kẻ Cướp…

> Đảo Bé đã có nước ngọt

Toàn cảnh đảo Bé ảnh: T.Trung
Toàn cảnh đảo Bé.  Ảnh: T.Trung.

Sào huyệt của cướp biển

Nhiều trăm năm trước, nhiều toán cướp biển chọn đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm căn cứ để tấn công sang đảo lớn Lý Sơn vào cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Cổ Lũy, vũng Quất.

Đảo Bé là sào huyệt, để bọn cướp chôn giấu tài sản và trú ngụ qua ngày. Nhiều người đồn đoán, đảo này vẫn giấu vàng của bọn cướp thời đó. Ai đã đọc tác phẩm “Đảo giấu vàng” của Robert Louis, nhà văn người Scotland, thì có thể hình dung ra hình ảnh bọn cướp biển một thời.

Ông Phạm Thoại Tuyền, một người dân trên đảo lớn Lý Sơn, khá rành câu chuyện hải tặc, vẫn được gọi là giặc Tàu ô.

Thời đó, giặc Tàu ô cứ lén lút đổ bộ lên đảo lớn, chúng cướp phá ầm ầm, bắt giữ gái đẹp rồi kéo nhau bỏ đi.

Vậy nên đảo Lý Sơn có nhiều ngôi nhà cổ được thiết kế có hai vách để đàn bà con gái trốn giặc Tàu ô. Trên đảo có những dũng sĩ lao ra bãi biển chiến đấu chặn giặc Tàu ô cướp phá.

Dòng họ ông Tuyền có bà Phạm Tiên Điều, con út của cụ Thủy tổ họ Phạm. Giặc Tàu ô vào làng, bà chạy đi báo cha mẹ. Khi sắp bị bắt, bà lao mình xuống biển tuẫn tiết để giữ tấm thân trong sạch.

Người dân trên đảo giờ xây đền thờ để cúng viếng bà. Bà cũng là nữ nhân thần duy nhất trên đảo Lý Sơn.

Trong sách Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi lại: “Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh…”. Cướp biển thời đó đều xuất binh từ đảo Bé. Những tiếng tù và ầm ĩ báo động giặc Tàu ô vào đảo.

Hình ảnh đó giờ đã lùi vào dĩ vãng. Sào huyệt của hải tặc, giờ trở thành xã đảo An Bình.

Qua thăm đảo Bé, câu chuyện một thời được người dân giới thiệu bằng di tích, đó là hang Kẻ Cướp. Hang rất hiểm trở, thông thường vào lặn xuống biển mới tìm được lối vào được hang.

Kẻ cướp ở đảo Bé giờ không còn, nhưng qua đảo Bé phải đối mặt với “sóng cướp”. Chỉ cách đảo lớn Lý Sơn chừng 4 cây số biển, khoảng nửa giờ đi thuyền, nhưng việc đi lại vô cùng vất vả, hiểm nguy.

Đảo Bé với chừng 100 hộ dân do vậy thường bị cô lập hoàn toàn khi sóng to gió lớn. Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch xã An Bình, kể: “Cán bộ qua đảo Bé công tác, gặp mùa mưa thì phải gói tất cả hành lý, điện thoại trong túi ny lon. Thuyền vô bờ không được, phải tăng bo bằng thúng”.

Khu vực đảo Bé thường xuất hiện sóng to như ngôi nhà. Thúng chở khách hay úp ngược và trút mọi người văng xuống biển. Nếu bơi kém thì mất mạng như chơi.

Trẻ em đảo Bé ảnh: T.Trung
Trẻ em đảo Bé.  Ảnh: T.Trung.

Kho báu đảo Bé 

Khi đặt chân lên đảo Bé, mọi ánh mắt đổ dồn về khách lạ. Bởi không mấy khi, khách đất liền thăm cái xã cô đơn. Đảo “giấu vàng”, mấy mươi năm cày cuốc, trồng hành, trồng bắp người dân đào bới chả tìm thấy.

Họ toàn thấy được nỗi nhọc nhằn với nhiều thiếu thốn, khi phải sống ở hòn đảo giữa biển khơi.

Nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào: “Khổ thì khổ thiệt, nhưng con gái ở đây dù quanh năm dầm mình nước biển, ăn toàn rau biển, nhan sắc vẫn đẹp mặn mà hơn mà nói chuyện có duyên”.

Câu chuyện nhan sắc có thể đúng là thế thật. Những cô gái nước da ngăm đen, nụ cười tươi mới, hàm răng trắng đều. Vóc dáng họ đều thể hiện một sự trẻ trung, căng đầy sức sống của một cơ thể được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên.

Vậy nên đảo Bé mới có câu chuyện “rể lính cả nhà”. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ dân số ở đảo Bé công nhận, chuyện lạ đó có thật. Những chàng lính trẻ cứ đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Đây là lập tức bén duyên.

Phụ nữ bắt đầu vụ trồng hành tỏi ảnh: T.Trung
Phụ nữ bắt đầu vụ trồng hành tỏi.  Ảnh: T.Trung.

Bà Đây đã lớn tuổi nhưng nước da vẫn hồng hào. Bốn chàng lính, người đến từ đất liền, người ở đảo lớn đều xin được làm rể gia đình bà Đây.

Cứ hơn 8 giờ sáng là có một chiếc thuyền nhỏ chở khách từ đảo lớn cập sang đảo Bé. Khách đang yên, đang vui, tự nhiên ông chủ đò bắc tay đi loa loa khắp xóm: “Tới giờ rồi, bữa nay về sớm thôi”.

Nếu là khách quen thì chẳng thắc mắc chuyện qua trễ về sớm. Bởi cái lịch qua đảo, rời đảo đều phụ thuộc vào ý muốn của ông trời. Cứ thấy trời lăn tăn một chút sóng, ông chủ đò hấp tấp hối khách.

Một ông già ví đảo Bé quê mình như một đầu con ngựa chiến: “Nó kỳ lắm, trời đang yên đang lặng, thời tiết chuyển lừng lừng thì không có tàu nào cập vô được đâu. Nếu khách kẹt lại, gắng chờ vài ngày biển êm thì mới có đò qua rước mình về”.

Vàng ở đảo, có lẽ khó tìm được. Nhưng vàng ở đảo Bé, đó là sự hoang sơ, trong trẻo, tinh khôi khó kiếm được ở chốn đô thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG