Giải thưởng Dế Mèn:

Vắng Hiệp sĩ Dế Mèn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chọn được tám tác phẩm xuất sắc nhất, nhưng Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm Chủ tịch Hội đồng tuyên bố không có Giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn.

5 giải Khát vọng Dế Mèn

Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3-2022 diễn ra tối 31/5. Giải thưởng non trẻ nhưng tạo dấu ấn nhất định, với mục tiêu tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật-giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” hoặc “vì thiếu nhi”. Từ 89 tác phẩm nhận được, có 11 tác phẩm vào vòng chung khảo. Hội đồng giám khảo chọn ra top 8 tác phẩm xuất sắc để chấm điểm. Giám khảo quyết định không có Giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn lần thứ 3. Thay vào đó, BTC chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất trao giải Khát vọng Dế Mèn.

Vắng Hiệp sĩ Dế Mèn ảnh 1

Tác giả nhí An Băng, tác giả Quyên Gavoye (Pháp) là hai trong số năm chủ nhân Khát vọng Dế Mèn

“Tám tác phẩm lọt vào vòng Chung kết-chấm điểm là những gì xuất sắc nhất của thiếu nhi và vì thiếu nhi trong thời gian qua. Tác giả đoạt giải trong số này xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật thiếu nhi nước nhà, trong đó thấp thoáng có gương mặt của thần đồng”, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa phát biểu.

Tín hiệu vui ở chỗ, giải thưởng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam. Hai trong năm giải Khát vọng Dế Mèn thuộc về tác giả ngoại quốc: sách tranh Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ)-Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch; 2 cuốn truyện dài Emma thảm họa và Biệt đội thám tử của Quyên Gavoye. Nữ tác giả Quyên Gavoye là chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, bà mẹ của hai đứa nhỏ. Hai cuốn sách ra đời từ sự quan sát kỹ càng của chị về cuộc sống của hai đứa trẻ, từ câu chuyện hằng ngày ở nhà, ở khu phố tới trường học, đan cài bài học về kỹ năng sống. Hai tác phẩm lấy bối cảnh Pháp nhưng tác giả chủ đích quảng bá văn hóa Việt trong đó.

Giải Khát vọng Dế Mèn còn gọi tên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với Đu đưa trên ngọn cây bàng, Cơ bản là cơ bản của Phạm Huy Thông. Nguyễn Vũ An Băng, 9 tuổi vừa “tốt nghiệp” lớp 4 ở Hà Nội trở thành một chủ nhân giải thưởng Khát vọng Dế Mèn với chùm 4 truyện ngắn nhỏ xinh. Điều bất ngờ là bốn truyện đồng thoại này có diễn biến bất ngờ, nhưng không phải do sắp đặt hay kỹ thuật thắt mở kiểu nhà nghề. Đó là sự bất ngờ của tư duy trẻ em. Không cố lồng ghép thông điệp, em vẽ nên thế giới trẻ thơ quen thuộc với hình ảnh những đứa trẻ trò chuyện với đồ chơi, tưởng tượng hang kiến là xã hội thu nhỏ, hòn đá nhành cây cũng có cảm xúc nên biết đau, biết giận hờn, vui buồn.

Thấp thoáng “thần đồng”

Số lượng tác phẩm ở mùa thứ ba có sụt giảm đôi chút hơn nhưng vẫn đảm bảo độ phong phú về thể loại, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định. Bên cạnh những tác giả đã thành danh, năm nay nổi lên một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa hoặc dịch thuật cho các cuốn sách tranh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em còn viết truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt-Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua.

Đánh giá về chất lượng mùa giải năm nay, giám khảo PGS.TS Ngô Văn Giá nêu, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ, và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. “Khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, khiến truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống. Những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá”, PGS.TS Ngô Văn Giá nhận xét.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính… Thế nhưng văn chương thì... thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”.

Dịp này, BTC tổ chức chương trình đấu giá nghệ thuật Vì mái trường cho em. BTC nhận được hơn 60 vật phẩm từ tác phẩm mỹ thuật, vật phẩm có giá trị và có ý nghĩa đặc biệt như chiếc áo có đủ chữ ký tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2018. Ba phiên đấu giá trực tuyến và phiên đấu giá 6 vật phẩm tiêu biểu tại lễ trao giải nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho một điểm trường ở Sơn La.

MỚI - NÓNG