Vân Thuyết – con ngựa không chồn chân

Vân Thuyết – con ngựa không chồn chân
TPO – Tâm niệm “bổn phận của người nghệ sĩ luôn không ngừng mở rộng không gian tưởng – trí tưởng tượng thức tỉnh tâm hồn, đánh động trí tuệ và lòng trắc ẩn…”, Vân Thuyết luôn cần mẫn cơi nới thế giới nghệ thuật.

>Họa sĩ Vân Thuyết và bản sonat tình yêu

Sinh ra ở Hà Nội, Vân Thuyết cầm tinh con ngựa (1954). Chim bay mãi cũng mỏi cánh. Ngựa chạy mãi cũng chồn chân. Nhưng con ngựa Vân Thuyết hẳn sẽ chẳng chồn chân. Cần mẫn, bền bĩ và giữ đều hơi, lão vẫn đi trên con đường nghệ thuật của mình.

Kể từ năm 1980 đến nay, lão đã có hơn 20 cuộc triển lãm cá nhân và nhóm. Lão cũng nhận được rất nhiều giải thưởng khác nhau của Hội Mỹ thuật Việt Nam; năm 2006 được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

"Mỗi tác phẩm nghệ thuật , thi ca, văn chương như một giấc mơ đẹp… Cuộc đời nghệ thuật là cuộc lưu truyền của những giấc mơ…vô tận"

Và người ta biết đến lão với tư cách là họa sĩ, nhà điêu khắc hơn là một nhà thơ. Chẳng thế mà trong buổi gặp gỡ nhân dịp Vân Thuyết ra mắt cuốn “Tiệc trần gian” (ngày 14-3), một số nhà thơ, nhà văn bộc bạch đây là lần đầu gặp.

Nhưng ngay lần đầu ấy lão đã để lại ít nhiều dấu ấn. Dấu ấn của tư tưởng, giọng thơ, con chữ…; dấu ấn của tâm hồn thơ trong nhà điêu khắc.

Sau ngày ra sách, biết và có dịp ngồi với Vân Thuyết nhiều hơn bên quán vỉa hè. Phảng phất hơi cốc trà nóng cầm trên tay, lão chia sẻ: Tiệc trần gian giống như một cuốn nhật ký cuộc đời.Cách trình bày sách cũng tuần tự như chính đời nghệ thuật của lão. Dù thành công hơn và nghề chính là hội họa, điêu khắc nhưng trong cuốn sách thơ vẫn đặt lên trước, đơn giản bởi lão làm thơ trước.

Vân Thuyết không quá ồn ào. Trong những dòng ngắn nhận xét Vân Thuyết, nhà thơ Trần Nhương viết: “Cuộc đời khá trầm luân nhưng anh âm thầm kiên nhẫn làm nghệ thuật. Đa tài ngoài tranh tượng anh còn giỏi chơi nhạc. Điều bất ngờ anh đã sáng tác thơ từ những năm 1970. Thơ khá mới và đẫm chất hội họa, phảng phất thơ Pháp. Anh là con chiên ngoan đạo nên thơ anh có cả hồn cốt của kinh Thánh”.

Những tư tưởng, quan điểm nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng, Vân Thuyết chia sẻ là có sự giáo dục, truyền cảm hứng từ người cha. Theo dòng hồi tưởng, Vân Thuyết nhớ lại người cha - một trí thức Tây học – thường đọc thơ của Arthur Rimbaud, Mallarme,… và giảng giải, truyền thụ cho lão. Rồi cũng chính cha lão cho lão đi học đàn; cho lão cảm hứng về hội họa khi sau khi ông giải ngũ về thì vẽ truyền thần. Đến bây chừ, làng mỹ thuật Việt Nam có một họa sĩ, nhà điêu khắc Vân Thuyết, một họa sĩ Hồng Hưng – anh trai lão.

Chia sẻ về nhịp điệu thơ của mình, Vân Thuyết cho hay là có sự ảnh hưởng từ tiết tấu của chất nhạc cổ điển. Điều này cũng dễ hiểu khi lão từ những năm 70, 80 thế kỷ trước học và chơi đàn Violon, đàn piano - nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng - nhạc cổ điển. Lão cũng từng là nhạc công Violon Đoàn ca múa nhạc Hà Tây.

Vân Thuyết – con ngựa không chồn chân ảnh 1
"Lá mùa thu" (chất liệu đồng đúc).

Dấu gạch nối Vân Thuyết

Trong thơ của Vân Thuyết, có người nhận xét là xuất hiện nhiều dấu gạch nối. Có người nói đó như một dấu gạch để phân tách, kìm hãm cảm xúc rạt rào, rõ ràng hơn về nhịp điệu. Nhưng có thể lắm đó cũng là sự gạch nối gắn kết của những tách rời?

Nhìn chặng đường làm nghệ thuật của lão, cứ có gì khiến người ta nghĩ rằng chính lão cũng đang là một dấu gạch nối. Lão nối liền cuộc đời với xúc cảm bên trong con người đầy tâm hồn; nối liền những đam mê trong con người lão; nối liền giữa thế giới hình khối, sắc màu với thế giới ngôn ngữ và giọng điệu.

Lão cũng là một dấu gạch nối của thời gian. Làm thơ từ những năm 70, 80 của thế kỉ trước, nhưng tư tưởng và giọng thơ lại có những dấu ấn về sự khác lạ, táo bạo của lớp trẻ bây giờ, thậm chí có lúc hơn.

“Nó khác với hầu hết giọng thơ, nhà thơ ở những thập niên 70 – 90 thế kỷ trước, chủ yếu là thơ tự sự trữ tình… còn bám chặt vào ngôn ngữ đời sống ngôn ngữ đời thường. Vì vậy ông là nhà thơ một giọng… Cho đến giờ, ngay cả lớp trẻ, được cho là rất táo bạo trong đổi mới thơ cũng không có mấy người đi con đường của ông” – Trần Quang Quý nhận xét.

Điều để Vân Thuyết có cơ hội nối liền mạch những đoạn khoảng trong tâm hồn nghệ sĩ chính là tình yêu cái đẹp. Lão tự nhận mình là con người duy mỹ. Duy mỹ tuyệt đối. Thơ Vân Thuyết là “giai điệu duy mỹ; giai điệu của những cảm giác kỳ ảo, huyền ảo, mơ màng, cuồng si đến cả cực sướng”.

Hướng tới cái đẹp thánh thiện, nhưng lại không rời xa thực tại, cuộc đời. Như có người nhận xét là xúc cảm của trong nghệ thuật, thơ lão như kéo bầu trời gần với mặt đất. Chính lão cũng chẳng từng viết: “Thiên đường không phải ở đâu xa/ Mà ở ngay tại xứ sở/ Nơi con người được sinh ra”.

Tranh sơn dầu
Tranh sơn dầu "Tâm hồn vô cơ".

Quan điểm sáng tác của lão “thơ là cảm xúc, là khát vọng, là nhận thức, là tâm linh, là lạc thú của tâm hồn - tư tưởng và nhịp điệu của nghệ thuật ngôn từ. Thơ chỉ kết thúc khi con người không còn sự cô đơn - không còn tình yêu”.

Tôi biết rằng trong cuộc sống của tôi/ Chỉ có một con đường duy nhất/ Niềm đam mê – vượt qua sự dũng cảm” (Con đường). Cận tuổi lục tuần lão vẫn hướng trọn về cái đẹp, sự tự do nghệ thuật và quan trọng là vẫn được bước đi trên con đường đã định, đó đã là thành công của một tâm hồn nghệ thuật. Mấy ai được hạnh phúc như lão!?

Họa sĩ – Nhà điêu khắc Vân Thuyết

Từ năm 1991 – 2007 đã có 6 lần mở triển lãm cá nhân. Ngay từ 1980 đến nay đã có tham gia triển lãm nhóm trong nước và nước ngoài.

Có nhiều tác phẩm trưng bày tại các bảo tàng như : bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka Nhật Bản; công viên điêu khắc của thành phố Chang-Chun Trung Quốc;

Đạt nhiều giải thưởng như: Giải Ba triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc (1993); Giải Nhất cuộc thi tranh chủ đề “Chúng ta đang sống ở đâu?” của UNESCO (1995); Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam; …

Theo Viết
MỚI - NÓNG