Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
Một phiên họp của Chính phủ |
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ có 20 đơn vị (giảm một đơn vị so với quy định cũ) gồm: Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp luật; Vụ Kinh tế tổng hợp; Vụ Công nghiệp; Vụ Nông nghiệp; Vụ Khoa giáo - Văn xã; Vụ Đổi mới doanh nghiệp; Vụ Quan hệ quốc tế; Vụ Nội chính; Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ;
Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Vụ I); Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể; Vụ Thư ký - Biên tập; Vụ Hành chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch tài chính; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Cục Quản trị; Cục Hành chính - Quản trị II; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Nghị định giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ, trừ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Về điều khoản chuyển tiếp, theo Nghị định, Trung tâm Tin học tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Quản trị được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành.
Đối với lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, theo Nghị định, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất hoặc chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và quy định có liên quan; đánh giá và xử lý kết quả rà soát về thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, quản lý và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công Quốc gia; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.