> Kỳ nam và những ác mộng của dân phu trầm
> Bảo kê, ăn chặn tiền trúng kỳ nam
Theo ông Dũng, hiện nay hầu hết người nơi khác đã rời khỏi Khánh Sơn, chỉ còn số ít người dân địa phương tìm mót trầm.
Trong khi đó, ông Thái Tùng, 48 tuổi, ở thôn Chi Chay (Sơn Trung) nói, ông và ba người khác vừa tiếp tục gửi đơn tới UBND và Công an huyện Khánh Sơn, kiến nghị được chia tiền bán kỳ theo tỷ lệ 5-5 như một số thành viên đội liên ngành đã hứa.
Ông Tùng và nhiều người dân khác khẳng định, đêm 26-9 có khoảng 500 người được một số thành viên đội liên ngành “bảo kê” cho đào tìm trầm, kỳ.
Khi họ đào tìm được một khúc rễ cây nghi là kỳ nam, to cỡ bắp tay, dài chừng 30 phân, một trung úy công an tên K. bắn chỉ thiên cho mọi người dãn ra, rồi bỏ khúc rễ cây đó vào bao ni lông, gói lại bằng áo khoác rồi mang đi.
Trong đêm đó, họ tìm được 4 khúc nghi là kỳ, đều bị đội liên ngành thu giữ. Đến nay, chỉ một số người dân được chia tiền bán kỳ, từ một triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Tiến, Phó Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, Công an huyện chỉ thu giữ và đang bảo quản một “mẩu rễ cây” to cỡ ngón tay, dài khoảng 25 phân, chưa giám định có phải là kỳ nam hay không.
Ông Tiến trả lời chung, khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện tham gia đội liên ngành, phải tường trình vụ việc.
Thượng tá Lê Minh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết, trong đội kiểm tra liên ngành có 9 sĩ quan và 2 chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn.
Sau khi việc thu giữ và chia chác tiền bán kỳ bị vỡ lở, 11 người này đã làm bản kiểm điểm tường trình, nói rằng được một người tên Khánh đưa tiền “lộc rừng Bà cho”, mỗi người được 20 triệu đồng. Họ đã nộp lại Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn toàn bộ 220 triệu đồng.
Sáng 12-10, số tiền này đã được giao cho đoàn công tác của Thanh tra Quốc phòng và Ban Bảo vệ Nội bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ 11 quân nhân trên đang bị kiểm điểm, để xem xét mức độ kỷ luật.