Một di tích quốc gia đổ nát chờ trùng tu

Di tích quốc gia đình làng Thần Quy dột nát nhiều năm nay vẫn chưa được tu bổ. Ảnh: Nguyên Khánh.
Di tích quốc gia đình làng Thần Quy dột nát nhiều năm nay vẫn chưa được tu bổ. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Đình làng Thần Quy (Hà Nội) được xếp hạng di tích quốc gia 20 năm nay đang trong cảnh hoang tàn, đổ nát chờ kinh phí trùng tu.

Chờ sập

Đình làng Thần Quy thuộc xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với cổng tam quan độc đáo. Tọa lạc ở khu đất hơn 9.000m2, di tích này hiện trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Khoảng sân rộng phía trước cỏ mọc xanh um do ít người lui tới và không được chăm sóc. Nhiều người dân lo ngại di tích sập do những ngày qua mưa nhiều và mùa mưa bão cận kề.

Bên ngoài đình khá tiêu điều, mở cửa bước vào trong, càng thê lương: kèo, cột gỗ bị mối xông mục ruỗng khá nhiều, mái ngói sụt lở từng mảng lớn, ban thờ phủ lớp bụi. Không gian đượm mùi ẩm mốc của nắng mưa và do thưa vắng hơi người. Lo sợ một số ô cửa rụng xuống, người dân phải lấy thân tre chống đỡ tạm bợ. Phần chính giữa mái bị sập, địa phương chắp vá bằng cách dựng tạm mái tôn- giải pháp tình thế nhưng lại tồn tại nhiều năm nay- làm biến dạng ngôi đình này.

Người trông nom đình làng mới qua đời, ông Vũ Văn Vương được thôn giao nhiệm vụ giữ chìa khoá. Ông Vương kể do di tích xuống cấp trầm trọng nên chính quyền hạn chế cho mở cửa đình vì lo dân gặp tai nạn. Ông Trịnh Văn Thang, trưởng thôn Thần Quy nói từ 2006 đến nay không hội làng và giỗ thánh vào 8/8 và 10/11 âm lịch nữa vì ngôi đình không đảm bảo an toàn.

Năm 2016 UBND TP Hà Nội duyệt cấp kinh phí hơn 4 tỷ đồng cho 12 di tích của huyện Phú Xuyên, đình Thần Quy được rót 400 triệu đồng. Đại diện phòng Văn hoá-Thông tin huyện Phú Xuyên cho biết số tiền để tu bổ các hạng mục dự tính hết khoảng 1,1 tỷ đồng, cho nên tiền huy động xã hội hoá chưa đủ nên chỉ có thể gấp rút chống sập, chống dột. Nguy cơ sập đổ rất cao mà giải pháp cấp cứu vẫn ì ạch.

Vì đâu nên nỗi

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, dự án tu bổ tôn tạo đình Thần Quy được Bộ VHTT&DL thẩm định từ 2010. Nhưng kế hoạch năm 2013 của UBND thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia Văn hoá giai đoạn 2013-2015 không có di tích đình Thần Quy. Ông Tiến lý giải: “Huyện Phú Xuyên đề xuất tu bổ đình Thần Quy từ nhiều năm trước, Sở cũng báo cáo thành phố. Tuy nhiên giai đoạn 2011-2015 Hà Nội thực hiện theo Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi thì UBND cấp huyện có trách nhiệm đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn do huyện quản lý. Thành phố hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách để tu bổ. Để nhận phần kinh phí này, huyện phải báo cáo, xác định rõ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa”.

Năm 2016, Hà Nội hỗ trợ mỗi huyện hơn 4 tỷ đồng chống xuống cấp di tích. Đình Thần Quy ban đầu không nằm trong danh sách nhưng do xuống cấp nghiêm trọng nên huyện Phú Xuyên bổ sung di tích này vào danh mục. Với số tiền 400 triệu đồng nhận được, chính quyền địa phương vẫn chưa thể cải thiện tình trạng mục nát. Lí do địa phương đưa ra: số tiền huy động dân đóng góp chỉ được thêm vài chục triệu đồng, chưa đủ thực hiện dự án.

“Hiện thủ tục tu bổ cấp thiết quy định tại Luật Di sản Văn hoá được rút ngắn hơn rất nhiều, cho nên việc chậm trễ tu bổ chứng tỏ cán bộ địa phương thiếu năng lực và trách nhiệm”, ông Trương Minh Tiến nói. Ông cũng nói rằng di tích xuống cấp nghiêm trọng phải tu sửa cấp thiết song song với việc bố trí nguồn vốn để lập dự án chứ không nên ngồi chờ nguồn tiền khác rồi mới lập dự án.

Trước thắc mắc của địa phương rằng thủ tục xin hỗ trợ kinh phí tu bổ khiến họ lúng túng, đại diện Sở VHTT Hà Nội giải thích: Việc đưa ra danh mục ưu tiên tu bổ giúp giảm đầu việc thoả thuận chủ trương thủ tục ở cấp thành phố. Trong trường hợp đình Thần Quy, nếu di tích nằm trong danh mục được thành phố đồng ý thì huyện không cần qua nhiều bước báo cáo như trước, chỉ còn lại thủ tục thành phố báo cáo Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, việc phê duyệt danh mục này không có nghĩa là đương nhiên di tích được hỗ trợ đầu tư, cấp huyện vẫn phải chủ động trong bố trí nguồn vốn bảo tồn bởi Hà Nội thực hiện việc phân cấp này từ nhiều năm nay.

MỚI - NÓNG