Lư hương Đức Thánh Trần

Lư hương Đức Thánh Trần
TP - Thì ra lư hương dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh phường Bến Nghé, quận 1 TPHCM được di dời là để đưa về đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo cũng trên địa bàn quận. 

Đó là khi quận tiến hành tu sửa tôn tạo hai tượng đài Thánh Gióng và Trần Hưng Đạo vốn quen thuộc với người dân thành phố từ trước năm 1975.

“Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp… Nhiều người cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng quận thấy đây là việc rất bình thường”, lãnh đạo quận trả lời báo chí sáng hôm qua.  

Tuy nhiên, sự việc vẫn tiếp tục gây dư luận trái chiều. Với những câu hỏi cho rằng vì sao việc hương khói vẫn đang diễn ra bình thường tại nhiều tượng đài nơi công cộng khác? Và việc “nhằm” đúng ngày 17/2 lịch sử để dời lư hương rất lớn, vốn đã được nghiêm trang đặt tại đây suốt thời gian dài; trước một tượng đài mang tính biểu tượng cho chiến thắng quân xâm lược phương Bắc suốt hàng ngàn năm qua... liệu có hợp lý, hợp tình?!

Xét trên phương diện quản lý không gian đô thị, việc làm trên có thể được cho là hợp lý. Khi tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã ăn sâu vào tâm thức người dân chúng ta đã bao đời. Khiến bất cứ gốc cây, cục đá, ụ  đất,… cũng có thể được “thiêng hóa”, nghi ngút hương khói. Nhiều khi gây phản cảm.  

Nhưng riêng trong câu chuyện cụ thể này, xét về ứng xử trước tâm linh, văn hóa và dư luận xã hội, cho thấy ở đây còn thiếu sự cân nhắc, cẩn trọng cần thiết. Ít nhất là sự bàn thảo, xem xét, tham khảo giới chuyên gia cũng như người dân. Một sự chuẩn bị về tâm lý và tâm thức. Một khi lý do được địa phương đưa ra chưa đủ sức thuyết phục về tính phổ quát xét trên các hiện tượng tương đồng tại nhiều nơi khác hiện nay.

Nhớ hồi năm ngoái, chủ trương phá bỏ Dinh Thượng Thư 130 năm tuổi để mở rộng trụ sở UBND thành phố cũng khiến dư luận và nhiều ngành nhiều giới bức xúc. Vì công trình “không nằm trong danh mục di sản văn hóa cần bảo tồn”?!  Hàng ngàn bài báo đã đề cập đến vấn đề này.

Câu chuyện chiếc lư hương ở đây không thể so với hàng cây cổ thụ hay tòa nhà làm “vướng chân” dự án nào đó. Tại sao không chọn cách tu bổ cải tạo lại vị trí đặt lư hương nơi này cho trang trọng, nghiêm cẩn hơn, khi nó đã thuộc về niềm kính ngưỡng tốt đẹp của đông đảo người dân?          

MỚI - NÓNG