> Tranh lịch sử hết thời?
> Họa sĩ Hoàng Hoa Mai ra sách tranh
Trước triển lãm biếm họa cá nhân lần này (mang tên “Một phản biện vui vẻ hơn cả sự thật”, khai mạc 9h30 sáng thứ bảy, 30/3/2013, tại Cà phê Sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội); chúng tôi gặp họa sĩ Hoàng Dzự (Dzím) trong một quán café nhỏ, ông nói về biếm họa say sưa và hào hứng như thể nó là mạch nguồn giúp ông sống vui vẻ.
Một tác phẩm của họa sĩ Hoàng Dzự. |
“Tôi gắn bó với cuộc sống”
Họa sĩ Hoàng Dzự lịch lãm, nhẹ nhàng đúng kiểu người Hà Nội gốc. Gia đình vốn là tư sản, trí thức yêu nước, cha ông thường đọc các loại báo, tạp chí. Hồi Dzự mới chỉ là cậu bé 5,6 tuổi đã thích những sách tranh với các nhân vật ngộ nghĩnh.
Trên những ấn phẩm Tạp chí Nhân dân, báo Cứu quốc… cậu bé Dzự thích thú với những bức tranh đả kích thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Bảo Đại thời bấy giờ.
Cậu đam mê rồi mày mò tập vẽ. Năm 14 tuổi, Dzự nhận được giải thưởng của cuộc thi tranh thiếu niên quốc tế tổ chức tại Ấn Độ. Năm 15 tuổi, Hoàng Dzự đã có biếm họa đăng trên báo Văn Nghệ, Thống Nhất, Tiền Phong… với bút danh Dzím.
Ông lý giải: “Dzím là nhím, tôi coi mình như một chú nhím với nhiều gai nhọn trên lưng để chống lại những điều xấu trong xã hội”.
Năm 1965, Hoàng Dzự cầm súng vào chiến trường Tây Nguyên. Anh lính Hà thành đã ba lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.
Những bức tranh này thật sự dũng cảm và trí tuệ. Trong thời điểm này, cần nhiều người dũng cảm như vậy để đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Trong một đợt dưỡng thương, Hoàng Dzự được giao nhiệm vụ trợ lý chính trị soạn thảo tài liệu địch vận, dân vận và vẽ tranh cổ động, biếm họa phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Anh căng những mảnh dù lên làm phông hoặc vẽ trên những tờ giấy truyền đơn, dùng nhọ nồi, thuốc sát trùng màu xanh, màu đỏ, thuốc ký ninh màu vàng… để vẽ.
Trong cái thời mà sự sống và cái chết luôn luôn cận kề, những cơn đói quay quắt, tranh biếm họa của anh như một “liều thuốc tinh thần” khiến bạn bè, đồng chí ai cũng vui vẻ, phấn khởi quên đi cái khổ cực.
“Trong đời, tôi vẽ nhiều tranh biếm họa nhưng tôi không bao giờ quên những kỷ niệm một thời ở chiến trường, tôi vẽ tranh biếm họa đưa vào các bệnh xá cho đồng đội. Các anh xem, ai nấy đều cười sằng sặc khiến tôi cảm động lắm” - Họa sĩ Hoàng Dzự nhớ lại.
Hòa bình, gần 30 năm ông làm công tác nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế - sau này là Viện Chính sách và Chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quãng thời gian đi về nông thôn, nhiều vốn sống này tạo nên sự đa dạng và phong phú trong tranh biếm họa của ông.
Ông chia sẻ: “Có lẽ tôi ở tầng lớp thấp chăng? Cho nên tôi gắn bó với cuộc sống. Tôi đã từng trèo đèo lội suối, qua những thác ghềnh, đi thuyền độc mộc đến những vùng đất có chất độc màu da cam phục vụ cho công tác nghiên cứu. Tôi chứng kiến cuộc sống con người khổ sở vì bị mất đất, bị dồn ép… cảm thấy rất đau lòng. Tôi vẽ miệt mài, vừa làm việc vừa vẽ.
Gần 40 năm nay, họa sĩ sống trong căn nhà cấp bốn tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội do cơ quan của Bộ Nông nghiệp cấp. Ông kể, con trai ông trước cũng ham mê vẽ biếm họa. Nhưng sau, anh dừng theo đuổi việc này và chuyển sang làm kinh doanh.
Để đến khai mạc triển lãm của mình, họa sĩ đi quãng đường gần 30 cây số bằng xe bus. Sáng khai mạc, Hà Nội chuyển gió lạnh, lá xà cừ rụng như mưa. Hoàng Dzự nói, tôi đã già, nhưng sẽ tiếp tục vẽ.
Thỉnh thoảng, vẽ được bức tranh nào hay, tâm đắc, tôi tự thưởng cho mình bằng cách đi xe bus vào nội thành, tới ăn một đĩa bánh trôi quán nhà bác Phạm Bằng hay dạo phố… Tôi vẫn gặp gỡ anh em đồng đội cũ, cùng trao đổi về cuộc sống hiện nay.
Ở họ, tôi nhận được sự động viên và thấu hiểu… Tôi mong có một nhà tài trợ xuất bản nào đó đứng ra in tập sách biếm họa của tôi để giới thiệu được với nhiều người hơn. Nếu được như vậy tôi sẽ tặng ngay toàn bộ sách miễn phí cho những người yêu thích biếm họa.
Biếm họa nói hộ tâm tư nhiều người
Triển lãm đang diễn ra trưng bày 90 bức biếm họa, tập trung vào các vấn đề xã hội: quản lý kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông… Hoàng Dzự nói ông chọn con số 90 để kỷ niệm 90 năm ngày Nguyễn Ái Quốc vẽ bức tranh biếm họa đầu tiên đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ - thời kỳ 1920 - 1924).
Xem triển lãm, nhiều người thích thú, cười sảng khoái vì biếm họa của Hoàng Dzự nói hộ tâm tư của họ. Tranh của ông đi vào mọi ngõ ngách của đời sống để phát hiện, phơi bày bản chất sự việc bằng hình ảnh sắc sảo nhưng dung dị.
Họa sĩ Hoàng Dzự cho rằng, tranh biếm họa là kênh phản biện rất tế nhị, vui vẻ nhưng sâu sắc.
Họa sĩ có quyền đả kích nhưng phải đả kích như thế nào để thể hiện được cái tâm mong muốn đất nước, cộng đồng tiến bộ, lành mạnh hơn. Người họa sĩ cần có cái nhìn sâu sắc, tìm ra được vấn đề, thấy được những điều nghịch lý đang tồn tại.
Theo ông, triển lãm “Một phản biện vui vẻ hơn cả sự thật”, giống như câu nói trạng trong dân gian. “Hơn cả sự thật” vì lột tả được cốt lõi của sự việc, nhưng thêm vào đó là tính dự báo và giúp người xem thăng hoa với những liên tưởng thú vị.
Xem triển lãm, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao đóng góp của họa sĩ Hoàng Dzự.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nói: “Những bức tranh này thật sự dũng cảm và trí tuệ. Trong thời điểm này, cần nhiều người dũng cảm như vậy để đóng góp cho sự tiến bộ xã hội”.
Đánh giá về biếm họa hiện nay ở Việt Nam, họa sĩ Hoàng Dzự cho rằng biếm họa chưa được quan tâm xứng tầm. Ở các nước Pháp, Mỹ, Anh, Nga… biếm họa được coi như một bài báo, thậm chí một số biếm họa còn sắc sảo hơn một bài chính luận bởi tính cô đọng và trực diện của nó. Ông ngậm ngùi: Biếm họa trên báo chí Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm và giờ đây vẫn còn lận đận.
Tâm sự về nghề, Hoàng Dzự nói, mỗi họa sĩ biếm họa phải hiểu và có bản lĩnh, kiến thức về văn hóa xã hội, không ngừng học hỏi. Mỗi tác phẩm cần biến hình như thế nào cho đắt, có điểm nhấn để mỗi bức tranh chứa đựng kịch tính như một vở diễn trên sân khấu.
Điều quan trọng là phải biết nhiều điển tích Việt Nam và thế giới, những câu thành ngữ, tục ngữ dân gian… “Tôi luôn gắng thể hiện những điều đó trong biếm họa của mình. Cả cuộc đời, tôi tự hào mình đã làm được một số việc tốt cho xã hội” - họa sĩ chia sẻ.
Họa sĩ nhận xét: gần đây cũng có nhiều cuộc thi vẽ tranh biếm họa, nhưng vai trò phản biện xã hội còn hạn chế, thiếu tính dự báo. Ông cũng phàn nàn, họa sĩ biếm họa Việt Nam hiện rất lận đận.
Nhuận bút tranh biếm họa trên báo tùy thuộc từng báo, nhưng thường chỉ 50.000 đồng - 100.000 đồng; hiếm hoi mới có bức nhuận bút 400.000 đồng. “Thế nhưng- ông cười - họa sĩ vẽ mà nghĩ đến tiền có lẽ không bao giờ thành công”.
|