Vấn nạn đào đường tại Hà Nội: Rảnh cả năm, vội vàng tháng cuối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày đầu tháng 12/2023, không khí ở Hà Nội đang ô nhiễm rất nghiêm trọng, có thời điểm mức độ ô nhiễm nằm trong top các thành phố ô nhiễm cao nhất thế giới. Các công trường đào xới vỉa hè, cào lòng đường, dải phân cách xuất hiện cũng góp một phần không nhỏ làm cho không khí của Thủ đô ô nhiễm.

Ghi nhận của PV Tiền Phong thấy, cùng với tình trạng đào xới vỉa hè tại nhiều quận, huyện, hiện hàng chục tuyến phố có lòng đường, dải phân cách đang bị đào xới ngổn ngang như: Nguyễn Trãi, Giải Phóng - Ngọc Hồi, Trần Hữu Dực, Trịnh Văn Bô, Châu Văn Liêm, đường dẫn lên cầu Thanh Trì… Trên đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, toàn bộ hàng rào sắt ở dải phân cách giữa đoạn từ Nguyễn Hữu Thọ đến gần cầu Văn Điển bị tháo dỡ, dải phân cách cũng được xây lại thành các ô nhỏ. Lòng đường hai chiều đoạn đường này đang chìm trong công trình xây dựng, bụi bặm.

Tại phố Giảng Võ, vỉa hè đoạn đường đang thi công, người dân mỗi lần muốn đi lại đều phải bước lên phần đường đầy đất cát, thậm chí phải đi đường vòng để tránh ảnh hưởng đến phần gạch mới lát.

Vấn nạn đào đường tại Hà Nội: Rảnh cả năm, vội vàng tháng cuối ảnh 1

Dải phân cách trục Giải Phóng - Ngọc Hồi bị tháo bỏ hàng rào sắt và làm lại gờ, bùn đất tràn ra mặt đường. Ảnh: Anh Trọng

Ông Nguyễn Đình Tá, sống tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (nơi có các tuyến phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông) cho biết, chưa có dịp cuối năm nào mà lòng đường, vỉa hè các tuyến phố này được nằm yên. Năm thì vỉa hè bị xới tung lên lát lại đủ kiểu gạch rồi đến đá, năm thì mặt đường cào bóc hết lớp nhựa cũ để láng lớp nhựa mới. Điều đáng nói là, sự việc diễn ra khi mặt đường nhựa vẫn còn tốt, thậm chí vỉa hè vừa lát đá màu xám lại bị bóc lên lát đá màu xanh…

“Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra khoảng 5 tuyến lát vỉa hè và đang lập báo cáo kiểm tra gửi UBND TP Hà Nội. Về cơ bản các tuyến đường được lát đá đều đảm bảo chất lượng, tuy nhiên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khi thi công đa số đều chưa đảm bảo”.

Có mặt trên phố Lê Duẩn trong mấy ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, lòng đường tuyến phố này (đoạn từ Khâm Thiên đến nút giao Kim Liên) bị đào xới nhiều đoạn. Tại đoạn qua ngã ba giao với phố Trần Nhân Tông, sau khi lớp nhựa cũ bóc đi, đơn vị thi công đã thảm lên lớp nhựa mới đen óng, tuy nhiên các nắp hố ga nằm trên đường vẫn chưa được nâng độ cao lên bằng nền đường nhựa mới thảm, vô tình hình thành những hố sâu như ổ trâu trên đường.

Trong những sáng đầu tuần vừa qua, sau khi có một số xe máy sa vào đây làm người điều khiển ngã ra đường, đơn vị thi công đã dựng cột rào sắt hình chữ nhật cao khoảng 1 mét đứng giữa đường, dẫn đến lòng đường bị thu hẹp. Với đoạn qua cổng công viên Thống Nhất, mặt đường hai bên đã cào bóc đi lớp nhựa cũ nhưng một số vị trí vẫn chưa được thảm mới. Thực tế này làm cho lòng đường có những lớp răng cưa gập ghềnh, gây khó khăn, nguy hiểm cho phương tiện đi lại.

Vấn nạn đào đường tại Hà Nội: Rảnh cả năm, vội vàng tháng cuối ảnh 2

Đường ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa vừa làm xong hơn 1 tháng lại bị đào lên. Ảnh: Q.Thành

Ngoài ra, hiện tại, hàng chục tuyến phố có lòng đường, dải phân cách đang bị đào xới ngổn ngang như Nguyễn Trãi, Giải Phóng - Ngọc Hồi, Trần Hữu Dực, Trịnh Văn Bô, Châu Văn Liêm, đường dẫn lên cầu Thanh Trì… Trên đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, toàn bộ hàng rào sắt ở dải phân cách giữa đoạn từ Nguyễn Hữu Thọ đến gần cầu Văn Điển bị tháo dỡ, dải phân cách cũng được xây lại thành các ô nhỏ. Lòng đường của đoạn đường này đang được xây dựng lại, bụi bặm bay mù mịt.

Thực hiện đúng quy trình

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, năm nay quận không thực hiện nhiều dự án lát vỉa hè, chỉ triển khai dự án tại khu đô thị Đầm Trấu và đường Tam Trinh. Dự án đường Tam Trinh đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ một số đoạn hạ ngầm sau khi có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Đầm Trấu, chủ đầu tư dự án cho biết, theo hồ sơ thiết kế không có hạng mục cải tạo phần ga rãnh thoát nước - hạng mục này do thành phố đầu tư và quản lý. Tuy nhiên, sau khi mặt đường được thảm lại thì có chỗ bị sụt lún, chủ đầu tư đã khắc phục các đầu cống kết nối với hố ga dưới lòng đường để đảm bảo an toàn.

Vấn nạn đào đường tại Hà Nội: Rảnh cả năm, vội vàng tháng cuối ảnh 3

Đường Lê Duẩn lòng đường bị cào bóc, thảm nham nhở những ngày qua. Ảnh: Anh Trọng

Thông tin từ UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đang lát vỉa hè tuyến đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến Lê Văn Lương). Quận đang thúc các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành giai đoạn 1 trước 14/1 để người dân đón Tết. Lý giải về việc tuyến đường không được lát đá tự nhiên, đại diện UBND quận cho biết, đá khai thác trong tự nhiên tốt nhưng chất lượng, cường độ khó đảm bảo đồng đều (do khai thác bằng mìn), nhiều phiến đá bị om, thớ đá hở, rỗ... Chưa kể, yếu tố ngoại cảnh tác động đến tuổi thọ của đá như việc thi công, phương tiện đi lên vỉa hè, nhà dân chở vật liệu, hàng hóa lên. Dùng gạch bê tông cũng giúp giảm chi phí thực hiện dự án khá nhiều so với dùng đá tự nhiên.

Vị này khẳng định: "Việc lát vỉa hè không phải chỉ vào cuối năm mới làm để giải ngân mà được thực hiện quanh năm. Cứ xong thủ tục là tiến hành thi công ngay để không ảnh hưởng đến tiến độ". Từ đầu năm 2023, quận Thanh Xuân đã thực hiện lát vỉa hè được 4 tuyến đường, chủ yếu là các tuyến nhỏ. Đối với đường Khuất Duy Tiến, do đây là tuyến đường do thành phố quản lý nên quận lập báo cáo đề xuất chủ trương trình các sở, ngành thành phố. Cuối cùng là trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Thủ tục chậm được phê duyệt, dẫn đến việc thi công phải thực hiện vào cuối năm.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa cho biết, quận thực hiện theo Quyết định 1303 của Thành phố, trong đó có danh sách các tuyến phố nào lát vật liệu gì. Về việc thi công ồ ạt vào dịp cuối năm, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa cho biết, theo quy trình thực hiện dự án, đến tháng 9 bản vẽ thi công mới được phê duyệt xong và quận tiến hành triển khai ngay. Tuy nhiên, sau đó thành phố ban hành văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ các tuyến phố để hạ ngầm triệt để, việc này khiến việc khởi công chậm thêm 1 tháng.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2023 các quận huyện không thực hiện nhiều các dự án lát vỉa hè, chỉ có khoảng 10 tuyến đường. Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra khoảng 5 tuyến lát vỉa hè và đang lập báo cáo kiểm tra gửi UBND TP Hà Nội. Về cơ bản các tuyến đường được lát đá đều đảm bảo chất lượng, tuy nhiên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khi thi công đa số đều chưa đảm bảo.

UBND TP Hà Nội cho hay, Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng đá lát bị bong bật lún nứt, vỡ...

"Trên cơ sở kết quả báo cáo, đánh giá của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ: Tổ chức tham vấn các đơn vị liên quan và chuyên gia đầu ngành để tham mưu, đề xuất UBND Thành phố những giải pháp cụ thể; Thiết thực xem xét chỉ đạo, nâng cao hiệu quả việc lát đá vỉa hè và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có)", theo UBND TP Hà Nội.

Nhàn rảnh cả năm, làm “lấy được” trong tháng cuối

Phản ánh về tình trạng thi công đào xới vỉa hè và lòng đường trên nhiều tuyến phố Hà Nội hiện nay, người dân cho biết, từ đầu năm đến tháng 11 gần như các tuyến phố rất ít được xây dựng, duy tu. Tuy nhiên, cứ đến cuối năm, cụ thể là tháng 12, tình trạng đào hè đường diễn ra tràn lan. Quận, phường thì tổ chức cho đào hè lát đá, bó vỉa; các sở, ngành thì đào lòng đường, xén dải phân cách để thảm lại nhựa.

Thông tin về tình trạng đào đường, xén dải phân cách những ngày qua, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để mở rộng lòng đường, giảm xung đột giao thông và ùn tắc, trong tháng 12/2023, các đơn vị có trách nhiệm sẽ thực hiện xén dải phân cách trên một số tuyến phố. Cụ thể, từ nay đến 31/12/2023. Sở GTVT Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình giao thông (Ban Duy tu, Sở GTVT Hà Nội) tiến hành xén dải phân cách các tuyến phố, nút giao như: Ngã Tư Sở, đường Trịnh Văn Bô, làn đường rẽ dành cho xe máy đường Châu Văn Liêm, đường dẫn xuống cầu Thanh Trì…

Nêu lý do phải thực hiện như vậy, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, những tuyến phố, nút giao phải xén dải phân cách đều có lưu lượng phương tiện đông đúc, xung đột nhau và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Với nút giao thông Ngã Tư Sở, dù đã được tổ chức giao thông thường xuyên trong đó có bổ sung cầu vượt theo hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn, song từ khi hình thành thêm dòng phương tiện từ đường Vành đai 2 trên cao đổ xuống gây nên ùn tắc kéo dài.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm ùn tắc giao thông, việc sửa chữa, tổ chức giao thông khu vực nút giao Ngã tư Sở là rất cần thiết và cấp bách.

Về kế hoạch dự kiến duy tu sửa chữa lòng đường, xén dải phân cách trên các tuyến phố trong dịp cuối năm 2023, đại diện Ban Duy tu (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đơn vị đã khảo sát và thấy rằng, có vài chục tuyến phố phải thực hiện sửa chữa, duy tu.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong “vì sao trong 11 tháng của năm không thực hiện, đến tháng 12 mới làm dồn dập như vậy?”, đại diện Ban Duy tu Sở GTVT Hà Nội cho rằng, lý do liên quan đến việc phê duyệt chủ trương, kế hoạch của các đơn vị cấp trên. Theo đại diện ban này, đơn vị cũng muốn thực hiện từ sớm, nhưng do kế hoạch duy tu, sửa chữa hằng năm, hằng quý gửi lên cấp trên mãi đến quý 3, quý 4 mới được duyệt dẫn đến việc duy tu, sửa chữa bị chậm, tấp cập.

MỚI - NÓNG