Vấn nạn ăn xin

Bồng bế trẻ nhỏ chặn đầu ô tô xin tiền. Ảnh: Ngô Bình
Bồng bế trẻ nhỏ chặn đầu ô tô xin tiền. Ảnh: Ngô Bình
TP - “Người ăn xin xuất hiện tràn lan là do họ lười lao động, đi ăn xin nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao”, đại diện ngành chức năng lý giải với phóng viên, giữa lúc Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các cơ quan ban ngành quản lý  người ăn xin.

Tràn lan trên phố

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các tuyến đường nội đô TPHCM, nhiều người ăn xin quỳ lạy, bồng bế theo trẻ em, giả bệnh tật để xin tiền, nhiều người ra giữa đường chặn đầu xe ô tô để xin. Sáng 22/2, tại ngã tư  Nguyễn Trãi-Nguyễn Văn Cừ, quận 1, ba trẻ em từ hơn 1 tuổi đến 12 tuổi đứng tại trụ đèn giao thông, mỗi khi đèn đỏ bật sáng là những đứa trẻ này lại dẫn nhau xuống đường xin tiền người đi đường.

Một bé gái khoảng 12 tuổi, bế theo một em bé hơn 1 tuổi và một bé trai khoảng 6-7 tuổi ngồi trên lề đường. Bé trai mặc quần đùi, ở trần, người đen nhẻm, gầy gò ngồi ngay lề đường dưới chân trụ đèn giao thông cầm chiếc mũ vải để xin tiền suốt nhiều giờ. Bé gái lớn hơn bế em bé đứng trên lề đường, cứ mỗi khi đèn đường chuyển đỏ, bé gái này liền chạy xuống chặn đầu xe máy, ô tô để ngửa nón xin tiền. Có những lúc dòng xe đang chạy, bé gái này cũng chạy ra giữa đường để chặn ô tô xin tiền. Ba đứa trẻ đứng xin tiền suốt buổi từ sáng đến trưa dưới cái nắng gay gắt. Đến khi thấy có người chụp ảnh, đứa lớn liền chạy lại dắt tay bé trai đang ngồi trên lề đường đi nơi khác.

Tại cây xăng góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận sáng cùng ngày có hai đứa trẻ dưới 10 tuổi, quẩn quanh xin tiền người đến đổ xăng. Cứ có người tấp vào cây xăng là cả hai chạy lại níu kéo xin tiền. Khoảng 30 phút sau, hai đứa trẻ đi qua bên kia đường Nguyễn Văn Trỗi đứng chơi một lúc rồi được một người đàn ông chở đi nơi khác.

Không chỉ riêng lẻ vài đứa trẻ đi xin tiền, tại ngã  tư đường 3 tháng 2 – Lý Thường Kiệt, quận 10 có một nhóm 7 người đóng chốt tại đây, hầu như ngả đường nào cũng có vài ba người đứng bồng bế nhau xin tiền. Đứng tại góc đường 3 tháng 2 hướng đi cầu vượt Cây Gõ là bé gái khoảng 14 tuổi, bế thêm một em bé 1-2 tuổi, tay cầm thêm chiếc nón lá,  cứ đèn đỏ bật sáng là len lỏi xuống dòng xe để xin tiền. Trong lúc những đứa trẻ này đội nắng để xin tiền thì hai người phụ nữ ngồi dưới gốc cây ngay gần đó chơi, một người vô tư lấy xấp tiền mới xin được ra đếm. Trong lúc đó, đứa trẻ hơn 1 tuổi chạy chơi xung quanh gốc cây rồi thò tay vào bọc rác tìm đồ ăn. Tình trạng ăn xin cũng xuất hiện tràn lan trên QL 1A và các huyện.

Gom mãi không hết

“Người lang thang, ăn xin không chỉ xuất hiện trở lại trong nội thành, mà xuất hiện ở khắp các huyện ngoại thành”, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ,TB&XH TPHCM, cho biết. Theo ông, những người này luôn di chuyển địa bàn ăn xin mỗi ngày nên cũng khó kiểm soát. “Hiện nay, hình thức ăn xin cũng đã thay đổi, có nhiều người núp bóng dưới hình thức giả dạng như đi chào bán vé số, bán tăm bông, giả bệnh tật, giả thầy tu đi khất thực, lợi dụng trẻ em để đi ăn xin, chăn dắt người ăn xin… để qua mắt cơ quan chức năng”, ông Giang nói.

Vấn nạn ăn xin ảnh 1

Trong lúc trẻ em đội nắng xin tiền, người phụ nữ ngồi trong mát chơi, đếm tiền.

Năm 2015, TPHCM thu gom trên 2.000 người lang thang, ăn xin vào các trung tâm. Dù số người lang thang, ăn xin đã giảm, nhưng theo ông Giang, sau Tết Nguyên đán, họ xuất hiện trở lại nhiều, mà phần lớn là người từ các tỉnh thành khác đến. “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số điện thoại cá nhân của tôi cũng như đường dây nóng của Sở ghi nhận có hơn 100 tin báo của người dân phản ánh về tình trạng người ăn xin xuất hiện trên đường phố”, ông Giang kể và lý giải nguyên nhân ăn xin cứ như nấm mọc sau mưa là do việc nhẹ, thu nhập lại cao. “Đó là chưa kể, TPHCM là nơi có nền kinh tế phát triển, người dân sống có nghĩa tình, hay giúp đỡ, cho tiền bạc nên cũng tạo điều kiện để người ăn xin ở các tỉnh khác tìm đến nhiều hơn”, ông Giang nói.

Ông Giang cho biết, Sở LĐ,TB&XH đang xây dựng kế hoạch, đề xuất tập trung vào các chính sách hỗ trợ người ăn xin, người lang thang khi hồi gia để giảm tình trạng tái ăn xin. Đó là chính sách hỗ trợ học văn hóa, học nghề…  “Chúng tôi đang phối hợp với các doanh nghiệp để tiếp nhận người ăn xin về làm việc sau khi có nghề”, ông Giang nói và dẫn chứng, năm 2015, doanh nghiệp đã tiếp nhận 44 người ăn xin vào làm việc.

Tràn lan ăn xin ở TPHCM có sự trợ giúp của đối tượng chăn dắt. Theo ông Lê Chu Giang, thời gian qua có nghe phản ánh, nhưng khi xác minh, rà soát thì chưa thấy dấu hiệu nào. Thời gian tới phải tập trung theo dõi những đối tượng nghi vấn chăn dắt ăn xin, phát hiện được sẽ xử lý mạnh tay.

MỚI - NÓNG